"Huân chương Sao Vàng ghi nhận đóng góp đặc biệt của Tổng Bí thư cho đất nước"
Giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia khẳng định xây dựng Đảng là một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc, và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dường như đã dành gần cả cuộc đời để làm điều đó.
“Để được tặng Huân chương Sao Vàng sau ngày 30/4/1975 đòi hỏi phải có những đóng góp rất đặc biệt cho đất nước” - đó là lời khẳng định của Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, trong cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Australia về vai trò cũng như những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển đất nước, chăm lo đời sống của nhân dân, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng.
Giáo sư Carl Thayer nhận định trong thời gian lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đạt được những thành tựu lớn, trong đó phải kể đến chiến dịch chống tham nhũng mà ông đã phát động và được duy trì đến thời điểm hiện tại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố “không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,” và thực tế cho thấy công cuộc “đốt lò” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động đã loại bỏ nhiều quan chức tham nhũng và truy cứu trách nhiệm của những nhà lãnh đạo kể cả ở cấp cao nhất.
Giáo sư Carl Thayer khẳng định với chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể và đáng được ghi nhận trong việc bài trừ tham nhũng.
Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng “đốt lò” chỉ là một phần trong dự án lớn hơn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đưa những người có đức, có tài đứng trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng, kiên quyết loại bỏ những người không còn xứng đáng với lòng tin của nhân dân, và đó là những quyết định chiến lược.
Vị giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia khẳng định xây dựng Đảng là một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dường như đã dành gần cả cuộc đời để làm điều đó.
Tổng Bí thư đã thay đổi rất nhiều quy định của Đảng, trong đó có hai khía cạnh đặc biệt quan trọng là những điều Đảng viên nên làm và không nên làm, chỉ rõ những phương hướng nên hành động và nhấn mạnh Việt Nam là một nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Bên cạnh đó, Giáo sư Carl Thayer cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp quý giá cho chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Ông đã tạo dựng tính hợp pháp cũng như uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam và người lãnh đạo Đảng trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có các cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi… và điều đáng nói là trong các tuyên bố chung được đưa ra sau các cuộc gặp, các nước đều bày tỏ sự tôn trọng đối với hệ thống chính trị của Việt Nam.
Theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực đối ngoại khi sử dụng thuật ngữ “ngoại giao cây tre” với hình ảnh “gốc vững chắc, thân mềm mại, cành lá uyển chuyển” của cây tre để mô tả cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Việt Nam là “có nhiều bạn bè hơn, ít kẻ thù hơn.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên định trong việc bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, độc lập, tự chủ, nhưng cũng rất thực tế để thúc đẩy lợi ích quốc gia.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng Việt Nam đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng trong thời gian qua, trong đó có việc củng cố và nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Australia lên mức cao nhất, đó là Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Về quan hệ Australia-Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer cho biết mối quan hệ này nhận được sự ủng hộ của hai đảng lớn trong hệ thống chính trị Australia và đây được coi là một thành tựu đỉnh cao, đó là bởi lợi ích của hai nước hội tụ, và không thể không nhắc đến sự đóng góp tích cực của một số lượng lớn người gốc Việt đang sinh sống và làm việc, học tập tại Australia cho mối quan hệ song phương./.