Họp HĐND thành phố Hà Nội: Chất vấn về công tác quản lý nhà đất
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết Kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố lần này sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, là cơ chế, chính sách để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.
Ngày 5/7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ 7. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; lãnh đạo các cơ quan hữu quan...
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết tại kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2022.
Hội đồng Nhân dân thành phố cũng sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự thành phố theo quy định của Luật.
Hội đồng Nhân dân thành phố thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với Ủy ban Nhân dân thành phố thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn dự kiến về 2 nhóm vấn đề gồm tái chất vấn về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố; chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố.
Đây là những nội dung rất quan trọng, thiết thực, đang được thành phố tập trung chỉ đạo, đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm và được các Ban Hội đồng Nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố đăng ký, đề xuất.
Cũng tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ xem xét, thảo luận và thông qua 16 báo cáo, một nghị quyết thường kỳ và 14 nghị quyết chuyên đề, trong đó, nhiều nội dung quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận như cho ý kiến về định hướng, quan điểm đối với dự thảo Đề án Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất; chương trình phát triển nhà ở thành phố; quy định mức tiền phạt trong lĩnh vực xây dựng khu vực nội thành; thông qua danh mục các cơ sở nhà, đất di dời do không phù hợp quy hoạch trên địa bàn thành phố...
Đáng chú ý, trong quá trình chuẩn bị kỳ họp, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ, từ sớm, từ xa để thống nhất nội dung, đảm bảo đúng thẩm quyền và các quy định.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức phản biện xã hội đối với các nội dung quan trọng, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, làm cơ sở để Hội đồng Nhân dân thành phố thảo luận và quyết định bảo đảm nghị quyết đi vào cuộc sống.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, với phương châm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố đề nghị các vị đại biểu phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ, để thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, góp phần vào sự thành công của kỳ họp.
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng Kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố lần này sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, là cơ chế, chính sách để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.
Do đó, các đại biểu cần tiếp tục phát huy cao nhất kết quả đã đạt được của Hội đồng Nhân dân thành phố thời gian qua, nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ họp, nhất là chất lượng thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn theo hướng tập trung vào những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm; vấn đề lớn, vấn đề khó để bàn đưa ra giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
[Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định nhiều vấn đề quan trọng]
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố tập trung thảo luận, phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đề xuất giải pháp nhằm phát huy mọi nguồn lực của thành phố, khắc phục hạn chế, yếu kém, thực hiện quyết liệt nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch của 6 tháng còn lại và cả năm 2022.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội gợi mở một số nội dung, đề nghị các cấp, ngành tập trung chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức cao nhất; kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, dự án có khả năng giải ngân tốt… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trước hết phải đề cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công việc.
Thêm vào đó, các cấp, ngành tiếp tục triển khai biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác bởi hiện nay đã xuất hiện chủng mới tại Việt Nam, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cho người dân.
Hội đồng Nhân dân thành phố tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quyết định các nội dung quan trọng của thành phố; tổ chức thực hiện hiệu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Đề án số 15-ĐA/TU, ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với tổ chức bộ máy và hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp thành phố.
Ngoài ra, Hội đồng Nhân dân các cấp cần lựa chọn đúng vấn đề quan trọng, cấp bách và đòi hỏi từ thực tiễn để bàn và ra nghị quyết có tính thiết thực, khả thi; quan tâm đến vấn đề dân sinh, gây bức xúc của cử tri, dư luận để chọn lựa làm nội dung giám sát, chất vấn, giải trình, cùng Ủy ban Nhân dân thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, quy trình thực hiện và đề xuất cơ chế, chính sách theo quy định của Luật, phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố, tạo động lực cho sự phát triển chung của Thủ đô và nâng cao đời sống nhân dân.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thêm, 6 tháng đầu năm 2022, thành phố triển khai các nhiệm vụ trong điều kiện vẫn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội. Với sự quyết tâm, nỗ lực, thành phố đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, quyết liệt triển khai giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để từng bước phục hồi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tăng trưởng GRDP 6 tháng đạt 7,79% (gấp gần 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021), thu ngân sách ước đạt 56,8% so với dự toán, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế đó là tiến độ triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội còn chậm, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều khó khăn, vướng mắc...
Vì vậy, Hội đồng Nhân dân thành phố dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận tại tổ và tại hội trường về những kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, tồn tại, đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả, sát yêu cầu thực tiễn.
Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI dự kiến tổ chức trong 3,5 ngày (từ ngày 5/7 đến sáng 8/7). Trong đó, Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ dành thời gian gần một ngày cho phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường; dành một ngày cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn.
Đây là những hoạt động quan trọng của nghị trường nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và trí tuệ của các đại biểu để trao đổi, thảo luận nội dung quan trọng trong chương trình kỳ họp./.