Hồi ức của các Đại sứ trong cuốn sách 'Chuyện 'đi sứ' thời hội nhập'
Những bài viết, câu chuyện về hoạt động của các Đại sứ sẽ giúp độc giả thấy rõ trình độ và kỹ năng “dĩ bất biến ứng vạn biến” phong phú và mưu lược của lớp Đại sứ Việt Nam thời gian qua.
Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật vừa ra mắt cuốn sách "Chuyện 'đi sứ' thời hội nhập (Hồi ức của các Đại sứ)" do Đại sứ Ngô Quang Xuân chủ biên.
Theo Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, nền ngoại giao hiện đại Việt Nam ra đời cùng với việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân xây dựng, dìu dắt nên mang đậm dấu ấn tư tưởng của Người.
Trải qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước và trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, ngoại giao Việt Nam luôn giữ vững nguyên tắc mềm dẻo về sách lược, quán triệt tinh thần tiến công nhưng biết giành thắng lợi từng bước, phù hợp với tương quan lực lượng trên thế giới và thực tiễn đất nước.
Từ 20 thành viên ngày đầu thành lập, đến nay Bộ Ngoại giao đã có khoảng 2.500 cán bộ công tác trong nước và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, với trình độ học vấn cao, giỏi ngoại ngữ, tư tưởng chính trị và nghiệp vụ vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Cán bộ ngoại giao Việt Nam từng bước tham gia tích cực trong các cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN, APEC, Liên hợp quốc..., góp phần xây dựng “luật chơi” chung, hướng đến một cộng đồng quốc tế hòa bình, hợp tác cùng phát triển, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.
Cuốn sách "Chuyện 'đi sứ' thời hội nhập (Hồi ức của các Đại sứ)" ghi lại những câu chuyện, tình huống tiêu biểu trong các nhiệm kỳ công tác ngoại giao ở nước ngoài, đúc rút kinh nghiệm quý báu trong hoạt động thực tiễn của các đại sứ, nhà ngoại giao chuyên nghiệp.
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ danh dự, lợi ích của Việt Nam trong bang giao quốc tế, các đại sứ luôn có ý thức sáng tạo, tìm tòi, khai thác nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ phát triển đất nước.
[Thúc đẩy nền ngoại giao hiện đại, toàn diện trong bối cảnh mới]
Những kinh nghiệm và ứng xử ngoại giao của các Đại sứ thể hiện sâu sắc phong cách ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh - chân thành, có lý, có tình, trí tuệ uyên bác, ứng xử tinh tế trong giao tiếp và trước hết là lấy đại nghĩa, chí nhân, phát huy chính nghĩa Việt Nam, từ đó tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, thuyết phục, cảm hóa đối thủ, khơi gợi, hình thành, nuôi dưỡng tình cảm, ấn tượng tốt đẹp về đất nước và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Khi viết lời tựa cho cuốn sách, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã nhấn mạnh với vai trò cầu nối trong nước với thế giới, ngoại giao Việt Nam luôn nỗ lực định vị đất nước trong cục diện khu vực và thế giới một cách thuận lợi nhất, đồng thời, khẳng định nền ngoại giao hiện đại, mang đậm tinh thần hòa hiếu, nhân văn, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến,” một tinh hoa của tư tưởng phương Đông mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vận dụng sáng tạo và chỉ đạo thực hiện.
Ông đánh giá các bài viết, những câu chuyện về hoạt động của các Đại sứ sẽ giúp độc giả thấy rõ trình độ và kỹ năng “dĩ bất biến ứng vạn biến” phong phú và mưu lược của lớp Đại sứ Việt Nam thời gian qua.
Đặc biệt, với thế hệ các nhà ngoại giao trẻ và học viên, sinh viên chuyên ngành quan hệ quốc tế, cuốn sách sẽ mang đến nhiều kinh nghiệm thiết thực, bổ sung kiến thức từ thực tiễn trong công tác và nghiên cứu.../.