Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu: Thành công mang đậm dấu ấn Việt Nam
Sau 9 lần tổ chức, lần đầu tiên Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu đưa ra Tuyên bố Hội nghị. Qua đó, nước chủ nhà Việt Nam cũng có cơ hội ghi dấu ấn trong lòng các đại biểu quốc tế.
Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 đã khép lại, để lại dư âm khó quên trong lòng các đại biểu tham dự bởi đây là hội nghị có số đại biểu tham dự đông nhất từ trước đến nay, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức, các đại biểu thống nhất ra Tuyên bố Hội nghị.
Nhân dịp này, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Tuấn, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Chủ tịch nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ về dấu ấn Việt Nam tại sự kiện quốc tế thành công này.
Thành công trên nhiều phương diện
- Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về kết quả của Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi xin điểm lại những kết quả nổi bật của hội nghị. Thứ nhất, chương trình hội nghị đã được thảo luận kỹ lưỡng giữa nước chủ nhà với Ban Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Chủ tịch Diễn đàn Nghị sỹ trẻ IPU. Qua nhiều phiên làm việc, các bên đã đi đến thống nhất chương trình nghị sự với các nội dung, hoạt động phong phú nhất từ trước đến nay, cả hoạt động chính thức lẫn bên lề.
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề: Chuyển đổi Số; Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp; Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững. Nội dung thảo luận bám sát chủ đề của hội nghị, ghi nhận số lượng lớn lượt ý kiến phát biểu. Các phiên họp đều kéo dài thời gian so với dự kiến để bảo đảm cho tất cả các đoàn đăng ký phát biểu đều có cơ hội chia sẻ ý kiến.
[Việt Nam là tấm gương trong thực hiện các mục tiêu phát triển]
Hội nghị có số lượng đại biểu tham dự đông nhất từ trước đến nay trong lịch sử tổ chức Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu, với hơn 500 đại biểu của nghị viện các nước và các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế. Về phía Việt Nam, bên cạnh sự tham gia của các đại biểu Quốc hội trẻ khóa XV còn có các đại biểu Hội đồng Nhân dân một số tỉnh/thành phố, các thanh niên tiêu biểu. Nếu tỉnh tổng thể thì hội nghị có đến 700 đại biểu tham dự. Hội nghị đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam với thông điệp của Chủ tịch nước và hoa chúc mừng của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
Về nội dung, sau 9 lần tổ chức, lần đầu tiên Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu đưa ra được Tuyên bố Hội nghị với sự đồng thuận, nhất trí cao. Quá trình chuẩn bị cho Tuyên bố Hội nghị cũng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự tham vấn của Ban Thư ký IPU, góp ý của lãnh đạo IPU và sự đồng thuận cao của các đoàn đại biểu các nước.
Trong các phiên thảo luận chuyên đề, bên cạnh các ý kiến phát biểu trực tiếp, nhiều nghị sỹ đã gửi video tham luận. Điều này cho thấy tinh thần tham gia tích cực, sôi nổi của các đại biểu.
Công tác truyền thông của hội nghị cũng được Ban Tổ chức quan tâm từ trước, trong và sau hội nghị. Ban Tổ chức đã bố trí Trung tâm báo chí và bảo đảm các điều kiện tác nghiệp một cách thuận lợi nhất cho các cơ quan thông tấn báo chí trong nước, quốc tế.
Nhân đây, tôi cũng đánh giá cao đóng góp của các cơ quan báo chí. Đây cũng là một trong những thành công của hội nghị. Ban Tổ chức ghi nhận số lượng lớn các tin bài. Hoạt động thông tin báo chí của hội nghị đã góp phần quảng bá hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Về công tác hậu cần, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều nhận xét và lời cảm ơn của các nghị sỹ, các Đoàn đại biểu. Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU và Chủ tịch Diễn đàn Nghị sỹ trẻ IPU đều đã đánh giá cao và ấn tượng với công tác tổ chức hội nghị của Việt Nam. Sự mến khách, chu đáo, trách nhiệm, chuyên nghiệp của nước chủ nhà Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn và tình cảm đến bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, trong các phiên thảo luận và Lễ Bế mạc của hội nghị, các đại biểu quốc tế đã dành phút mặc niệm cho các nạn nhân trong thảm họa động đất tại Morroco, lũ lụt tại Libya, lũ lụt tại Lào Cai, hỏa hoạn tại Hà Nội. Điều này cho thấy ý nghĩa nhân văn, bao trùm và “không để ai bị bỏ lại phía sau” của hội nghị.
- Theo ông, sức lan tỏa của Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 có ý nghĩa như thế nào với việc củng cố vị thế Việt Nam trên trường quốc tế?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay Quốc hội Việt Nam có 124 đại biểu trẻ, chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội. Sự hiện diện của các đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã góp phần tích cực vào tiến trình đổi mới hoạt động của Quốc hội, các hoạt động giao lưu hợp tác song phương, đa phương.
Đây là cơ hội rất tốt để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ mối quan tâm và mở rộng hợp tác với các nghị sỹ trẻ trong cộng đồng Liên minh Nghị viện Thế giới.
Hội nghị lần này góp phần khẳng định chủ trương chung của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tham gia một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm vào các vấn đề quốc tế, mở rộng thêm mối quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện của các nước trên thế giới, đặc biệt là giữa các nghị sỹ trẻ.
Đặt niềm tin ở người trẻ
- Thưa ông, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nói Chuyển đổi Số là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đáp ứng xu thế chung của thời đại, đưa chúng ta hội nhập sâu rộng vào sự phát triển chung của thế giới. Vậy, các nghị sỹ trẻ đóng vai trò như thế nào trong tiến trình này?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chuyển đổi Số là một việc chưa có trong tiền lệ. Như Chủ tịch Quốc hội đã nhận định, Chuyển đổi Số không đơn thuần là cách mạng về công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ chúng tôi ý thức rất đầy đủ trách nhiệm của mình trong quá trình hình thành khuôn khổ pháp lý đối với các luật, dự án luật liên quan đến chuyển đổi số mà Quốc hội đã thông qua cũng như sẽ bàn bạc để thông qua trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam tăng cường các kênh hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm của các quốc gia trong việc xây dựng thể chế liên quan đến chuyển đổi số.
Chúng tôi sẽ phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thúc đẩy việc tăng cường Năng lực Số cho giới trẻ, coi việc tăng cường Năng lực Số là một nhân tố quyết định để hình thành Công dân Số và từ đó sẽ thúc đẩy được quá trình Chuyển đổi Số một cách thực sự hiệu quả và bền vững.
- Ông có đề xuất thêm các giải pháp nào để phát huy hơn nữa vai trò và tiềm năng của thanh niên trong Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi cho rằng để phát huy được vai trò và tiềm năng của thanh niên trong vai trò Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp thì phải nhận thức đúng, đủ về vai trò của thanh niên. Đây sẽ là chủ thể là trung tâm của quá trình đổi mới và sáng tạo. Chính vì vậy, phải đặt các bạn ở vị trí trung tâm, phải tạo cho các bạn một môi trường, một hệ sinh thái thuận lợi nhất, không chỉ về mặt thể chế mà cả về mặt nguồn lực, về mối quan hệ hợp tác với các tài nguyên có liên quan, để các bạn có thể Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, chúng ta phải có một cơ chế để hỗ trợ động viên, khuyến khích, cổ vũ, thúc đẩy các bạn có hoài bão, khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn trong quá trình Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp.
Thứ ba là phải bao dung với những thất bại của các bạn, phải biết động viên các bạn khi các bạn gặp phải những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bởi vì kinh nghiệm cho thấy, tỷ lệ thành công chỉ khoảng 2%. Nếu như chúng ta chỉ nhìn vào một, hai lần thất bại của các bạn để đánh giá đấy là kết quả cuối cùng thì sẽ không bao giờ thúc đẩy được tinh thần dám nghĩ dám làm, Đổi mới Sáng tạo của các bạn trẻ.
Chính vì vậy, ngoài việc hình thành khuôn khổ pháp lý như tôi đã nói thì cần có sự khích lệ để các bạn vươn lên, chọn được đúng thời điểm tham gia vào chuỗi hoạt động đổi mới toàn cầu.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!