Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu: Góc nhìn đa diện về phát triển bền vững
Quốc hội các nước cần thúc đẩy tính toàn diện, đối thoại liên văn hóa và tôn trọng sự đa dạng như động lực của sự phát triển bền vững và hòa bình.
Sáng 15/9, Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) với hai phiên thảo luận đầu tiên là "Chuyển đổi Số" và "Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp."
Các đại biểu quốc tế đã dành nhiều thiện cảm với nước chủ nhà Việt Nam đồng thời kỳ vọng rằng nhiều giải pháp sẽ được đưa ra để thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Cùng đối mặt với thách thức toàn cầu
Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Duarte Pacheco bày tỏ hy vọng rằng thông qua hội nghị có sự tham gia của rất đông đại biểu trẻ, hoạt động Nghị viện sẽ đưa chương trình nghị sự kỹ thuật số lên một tầm cao mới, mang lại hiệu quả cao hơn, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động chính trị, để tất cả mọi người dân có thể biết và tham gia đề xuất ý kiến.
“Khi đại dịch COVID-19 tấn công và chúng ta phải chuyển rất nhiều công việc sang hình thức trực tuyến, thì các nghị sỹ trẻ ở nhiều quốc gia là những người đầu tiên thích nghi và hướng dẫn mọi người thích nghi. Trong bối cảnh mới, chúng ta buộc phải thay đổi,” ông Duarte Pacheco nói.
Ông Duarte Pacheco cho hay khi ông được bầu làm Chủ tịch IPU, các thành viên liên minh đã tiến hành bỏ phiếu trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử IPU. Đây là một ví dụ về sự đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại vào cuộc sống.
Chủ tịch IPU cho rằng Quốc hội các nước cần thúc đẩy tính toàn diện, đối thoại liên văn hóa và tôn trọng sự đa dạng như động lực của sự phát triển bền vững và hòa bình. Ông khẳng định hội nghị này sẽ giúp IPU và nghị viện các nước có cơ hội nhìn xa hơn các vấn đề và tìm kiếm các giải pháp mới.
[Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu: Cơ hội thúc đẩy hợp tác quốc tế]
Trong khi đó, ông Dan Carden, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sỹ Trẻ IPU, Nghị sỹ Hạ viện Vương quốc Anh bày tỏ sự cảm ơn nước chủ nhà đã rất hiếu khách, hào phóng khi đón tiếp các phái đoàn đến thành phố Hà Nội.
“Hình ảnh tàn khốc của cuộc chiến tranh Việt Nam đã in sâu vào tâm trí nhiều người, lịch sử nhiều nghìn năm phát triển đất nước đã bị gói gọn trong một giai đoạn chiến tranh, nhưng từ tro tàn, người Việt Nam đã tìm thấy động lực phát triển đất nước. Các bạn là một điển hình, cảnh báo mọi người không nên bị cuốn theo tư duy cạnh tranh địa chính trị hẹp hòi,” ông Dan Carden chia sẻ.
Ông bày tỏ sự tin tưởng rằng Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu sẽ là một diễn đàn với những góc nhìn đa dạng về thế giới, về lịch sử.
“Hiện nay, chúng ta đang phải đổi mặt với những vấn đề chưa từng có trong lịch sử nhân loại, những khủng hoảng đe dọa đến sự tồn tại. Không thể có giải pháp nào cho vấn đề biến đổi khí hậu nếu không có sự chung tay, đoàn kết của cộng đồng quốc tế. Tại đây, chúng ta sẽ vượt qua những bất đồng, cùng tìm giải pháp trung hạn lẫn dài hạn cho các vấn đề, thách thức toàn cầu,” ông Dan Carden nói.
Việt Nam: Gần gũi và thân thiện
Bên lề hội nghị, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã trò chuyện với các đại biểu quốc tế và họ đều có chung một nhận định Việt Nam rất gần gũi và con người Việt Nam rất thân thiện.
Ông Asuquo Ekpenyong, Thượng Nghị sỹ Nigeria chưa từng đến Việt Nam trước đây nhưng ông đã tìm hiểu và được biết rằng đây là một quốc gia giàu bản sắc văn hóa với chiều dài 4.000 năm lịch sử. Nigeria cũng là một quốc gia đa văn hóa, đa dân tộc, có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Do đó, ông cảm thấy sự gần gũi và cởi mở.
“Khi đến đây, tôi thấy thực sự ấn tượng. Đất nước của các bạn phát triển và tươi đẹp hơn so với những gì tôi hình dung. Dù đây là lần đầu tiên đến Việt Nam nhưng tôi đã cảm nhận được sức mạnh, sự hiện đại và sự phát triển năng động của các bạn,” ông Asuquo Ekpenyong chia sẻ.
Đại biểu từ Nigeria cho hay kinh tế nước này đang phát triển với sự xuất hiện của nhiều “kỳ lân công nghệ” có giá trị hàng tỷ đô la Mỹ. Vì vậy, ông cho rằng chủ đề của hội nghị rất thiết thực và truyền cảm hứng đối với đoàn đại biểu Nigeria.
“Tôi rất vinh dự khi được tới đây tham dự hội nghị. Tôi mong rằng sẽ được lắng nghe nhiều mô hình Chuyển đổi Số hiệu quả ở các quốc gia khác để có thể mang về áp dụng tại Nigeria,” ông Asuquo Ekpenyong nói.
Đến từ quốc gia Trung Đông Syria, đại biểu Majd Abu Zidan bày tỏ sự hào hứng khi lần đầu tiên đến Việt Nam.
“Việt Nam khiến tôi có cảm giác gần gũi không khác gì quê nhà. Tất nhiên về giao thông thì khác nhau, chúng tôi không có nhiều xe máy di chuyển trên đường, nhưng tình cảm, sự cởi mở và lòng hiếu khách của người dân Việt Nam và Syria thì giống nhau,” bà Majd Abu Zidan chia sẻ.
Đề cập đến chủ đề hội nghị là “Chuyển đổi Số” và “Đổi mới Sáng tạo”, bà Majd Abu Zidan cho rằng bối cảnh chính trị xã hội phức tạp tại Syria khiến cho người dân gặp khó khăn khi muốn tiếp cận với công nghệ hiện đại. Đó là lý do bà muốn nhân cơ hội này để học hỏi kinh nghiệm nâng cao Năng lực Số cho người dân đồng thời tìm hiểu các mô hình đổi mới trong quá trình lập pháp.
“Hội nghị này là cầu nối hữu ích để các nghị sỹ trẻ có thể trao đổi kinh nghiệm về Chuyển đổi Số, tìm các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường, từ đó đề ra các chiến lược để tạo môi trường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho sản xuất kinh doanh, môi trường, hạ tầng cho người dân và doanh nghiệp,” bà nói./.