Hội nghị BRICS: Tổng thống Nga kêu gọi tập trung giải quyết các vấn đề toàn cầu
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu bật những tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ, thao túng tiền tệ và thị trường chứng khoán...
Ngày 24/10, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao BRICS mở rộng, các nhà lãnh đạo đã gặp gỡ và thảo luận nhằm tìm cách giải quyết một số vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, như xóa đói giảm nghèo, giải quyết xung đột, chống khủng bố, Biến đổi Khí hậu và cung cấp lương thực.
Trong diễn văn khai mạc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu bật những tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ, thao túng tiền tệ và thị trường chứng khoán, các hành động can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.
Ông Putin cũng đã đề cập đến tình hình xung đột ngày càng trầm trọng ở Trung Đông. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng toàn bộ Trung Đông đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện, khi cuộc giao tranh bắt đầu cách đây một năm ở Gaza giờ đã lan sang Liban và các nước khác trong khu vực.
Theo ông, việc chấm dứt bạo lực và phát động tiến trình chính trị toàn diện nhằm giải quyết vấn đề và đảm bảo hòa bình tại Trung Đông hiện là nhiệm vụ cấp bách.
Theo ông Putin, BRICS mong muốn xây dựng một thế giới tốt hơn, nơi lắng nghe ý kiến và lưu ý đến lợi ích của tất cả các dân tộc, tôn trọng quyền phát triển chủ quyền của họ.
Lãnh đạo Nga cũng khẳng định, cải tổ các thể chế phát triển của Liên hợp quốc và các cơ cấu tài chính toàn cầu cũng là việc cần thiết. Tổng thống Putin tuyên bố ông hy vọng các các thảo luận mang tính xây dựng và cụ thể trong khuôn khổ BRICS mở rộng sẽ đóng góp vào giải quyết các vấn đề nóng hổi của khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các quốc gia thuộc nhóm BRICS nhận định các trung tâm có vai trò quyết định chính sách và tăng trưởng kinh tế mới đang nổi lên toàn cầu.
Theo các nhà lãnh đạo, xu hướng này mở đường cho một trật tự thế giới đa cực công bằng, chính đáng, dân chủ và cân bằng hơn, đồng thời mang lại nhiều cơ hội hơn cho các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển được hưởng lợi từ toàn cầu hóa kinh tế có lợi và toàn diện.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các quốc gia thuộc nhóm BRICS bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động tàn phá của những biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp đối với nền kinh tế thế giới và thương mại quốc tế, cũng như đối với việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong Tuyên bố Kazan, các nước BRICS đã kêu gọi cải cách hệ thống tiền tệ Bretton Woods (sử dụng đồng USD làm thước đo) nhằm tăng cường sự đại diện của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
Ngoài ra, các nước thành viên nhóm BRICS đã nhất trí hỗ trợ Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) trong việc thực hiện chiến lược chung cho giai đoạn 2022-2026 và mở rộng tài trợ bằng đồng nội tệ.
Cụ thể, mục tiêu tập trung vào việc xây dựng NDB thành một loại ngân hàng phát triển đa phương mới cho thế kỷ 21, hỗ trợ việc mở rộng thêm thành viên và đẩy nhanh việc xem xét các đơn xin gia nhập từ các nước BRICS theo chiến lược chung và các chính sách liên quan. Theo tuyên bố, các nước BRICS cũng được khuyến khích tăng cường hợp tác tài chính và thúc đẩy các hình thức thanh toán bằng tiền tệ địa phương.
BRICS mở rộng không chỉ giới hạn ở 10 quốc gia thành viên mà còn có sự góp mặt của đại diện của gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có lãnh đạo một số nước Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG), châu Á, châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ Latinh cũng như người đứng đầu các tổ chức quốc tế.
Ngay sau đó, Tổng thống Putin sẽ tổ chức họp báo về kết quả ba ngày Hội nghị cấp cao. Nhà lãnh đạo Nga cũng sẽ tiếp tục loạt cuộc gặp song phương.
Theo kế hoạch, Tổng thống Putin sẽ gặp Tổng thống Palestine, Bolivia, Mauritania, Thủ tướng Việt Nam và Tổng thư ký Liên hợp quốc./.