Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59: Trao cơ hội cho hòa bình
Sự sốt sắng của liên minh phương Tây nhằm tăng cường hỗ trợ về quân sự cho Ukraine được thể hiện rõ tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59 vừa khép lại ở thành phố Munich.
Cuộc xung đột ở Ukraine là chủ đề bao trùm được đề cập trong hầu hết các diễn đàn, các cuộc gặp song phương và đa phương suốt 3 ngày diễn ra Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 59 vừa khép lại ở thành phố Munich, miền Nam nước Đức.
Riêng việc có tới 40 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, gần 100 bộ trưởng, chưa kể một lực lượng hùng hậu các chuyên gia về chính sách và an ninh toàn cầu, tham dự hội nghị đã cho thấy mối quan tâm đặc biệt đối với cuộc xung đột ở Ukraine.
Một năm kể từ khi nổ ra xung đột (ngày 24/2/2022), tình hình thực địa cũng như chính trị an ninh toàn cầu đã có những thay đổi cơ bản.
[Hội nghị Munich thể hiện "sự đoàn kết mạnh mẽ xuyên Đại Tây Dương"]
Chiến trường ở Ukraine ngày một khốc liệt hơn khi vũ khí được các phương Tây liên tục gửi đến.
Sự sốt sắng của liên minh phương Tây nhằm tăng cường hỗ trợ về quân sự cho Ukraine được thể hiện rõ tại hội nghị lần này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi phương Tây cung cấp cho nước này các vũ khí hạng nặng và máy bay chiến đấu hiện đại, trong khi tại Munich, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng Kiev đang cần đạn dược, pháo và xe tăng.
Là chủ nhà, từ thủ tướng cho tới ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Đức tham dự hội nghị đều không mập mờ về ý định kêu gọi các đồng minh nhanh chóng cung cấp xe tăng hiện đại cho Ukraine.
Trước hội nghị, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết sẽ vận động những nước vốn "không thuộc về cái gọi là liên minh truyền thống" quay sang ủng hộ Ukraine và cô lập Nga.
Thế nhưng, việc thành lập một "liên minh xe tăng Leopard 2" cho Ukraine như ý định của Thủ tướng Đức Olaf Scholz chưa thành hiện thực khi nhiều nước hiện sở hữu loại xe tăng này im lặng hoặc thậm chí lên tiếng phản đối.
Chính phủ Hà Lan và Đan Mạch thông báo sẽ không cung cấp Leopard 2 cho Ukraine.
Phần Lan (quốc gia có kho vũ khí lớn gồm 200 xe tăng Leopard 2) và Thụy Điển cũng bày tỏ không muốn cung cấp bất kỳ xe tăng nào cho đến khi gia nhập NATO.
Kết quả là tại MSC, nỗ lực tìm kiếm thêm Leopard 2 có sẵn từ các đồng minh cho Ukraine không đạt được kết quả nào đáng kể.
Không chỉ xe tăng, theo Ngoại trưởng Đức Baerbock, cho đến khi Ukraine có các hệ thống hiện đại hơn của phương Tây, việc cung cấp đạn dược để sử dụng cho các thiết bị đã được chuyển giao, chẳng hạn như pháo phòng không Gepard, phải được đảm bảo.
Đáp lại lời kêu gọi trên là một sự im lặng, dù người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức nói thẳng ra rằng "hai quốc gia trên thế giới có loại đạn này."
Những người có mặt tại hội nghị đều biết đó là Thụy Sĩ và Brazil.
Liên quan việc thiếu hụt đạn dược ở Ukraine, tại MSC, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết EU đang thực hiện một thủ tục mua sắm mới để nhanh chóng đặt hàng với ngành công nghiệp vũ khí.
Thủ tục này được hiểu là quy trình tương tự đã được sử dụng để mua nhanh vaccine hồi đại dịch COVID-19, trong đó các nước EU cung cấp tiền để EU đại diện đặt hàng mua đạn dược.
Về kêu gọi cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, "đã có sự đồng thuận giữa các đối tác phương Tây" rằng sẽ không có việc chuyển giao máy bay chiến đấu ở thời điểm hiện nay.
Duy chỉ có Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố nước ông đang xem xét chuyển giao những chiếc MiG-29 cho Ukraine.
Ukraine thậm chí còn kêu gọi phương Tây cung cấp bom phospho và bom chùm, song đã nhanh chóng bị từ chối bởi loại vũ khí này đã bị Đức và hơn 100 quốc gia cấm sử dụng.
Riêng Anh là có tuyên bố "đi xa" hơn các đồng minh trong việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố nước này sẽ là quốc gia đầu tiên trang bị vũ khí tầm xa cho Ukraine, cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự có giá trị của Nga ở xa tiền tuyến.
Có thể thấy mục tiêu của phương Tây tại MSC 2023 là hô hào đoàn kết, sát cánh ủng hộ và cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời tiếp tục trừng phạt Nga.
Trong khi đó, như tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cánh cửa ngoại giao đã bị đóng sập.
Theo vị Tổng thống Pháp, "không có đối thoại (với Nga) vào lúc này," nhưng ông cũng nói thêm rằng đàm phán chỉ có thể diễn ra với các điều kiện "do Ukraine lựa chọn" và các đồng minh của Kiev phải tiếp tục cung cấp cho Ukraine công cụ để buộc Moskva trở lại đàm phán.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy vũ khí không phải là giải pháp cho các cuộc xung đột.
Vũ khí, khi bị buộc phải sử dụng, có thể tạm kết thúc một cuộc xung đột, nhưng lại có thể dẫn tới một cuộc xung đột khác.
Trong bối cảnh phương Tây liên tục cung cấp vũ khí tấn công cho Ukraine, Nga cũng hoài nghi về mong muốn hòa bình của phương Tây, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc phương Tây thiếu thiện chí đàm phán, không cởi mở với các sáng kiến hòa bình.
Việc MSC không mời đại diện Nga tham dự hội nghị cũng một phần cho thấy điều đó.
Báo chí Đức bình luận rằng MSC là nơi hai từ "vũ khí" được đề cập rất nhiều, dường như mang hơi hướng của một cuộc trao đổi vũ khí, nhưng rất may vẫn có những tiếng nói đi tìm hòa bình, tháo gỡ thế bế tắc cho cuộc xung đột bằng biện pháp ngoại giao.
Tại Munich, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi giải quyết xung đột ở Ukraine một cách hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn, nhấn mạnh rằng vấn đề giữa các quốc gia không nên được giải quyết thông qua việc gây sức ép hoặc các biện pháp trừng phạt đơn phương, bởi điều đó sẽ phản tác dụng, đồng thời thông báo sáng kiến của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước phải được tôn trọng, các nguyên tắc trong Hiến chương Liên hợp quốc phải được duy trì.
Brazil cũng kiên quyết không cung cấp đạn dược, xe tăng cho Ukraine.
Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira nói thẳng tại Munich rằng: "Chúng tôi sẽ không làm điều đó... Thay vì tham chiến, chúng tôi muốn nói về hòa bình."
Đồng thời, ông Vieira nhấn mạnh Brazil sẵn sàng làm trung gian cho các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn và sau đó là đàm phán hòa bình.
MSC 2023 khép lại, chưa thấy hình hài một giải pháp cho cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ hai ở Ukraine.
Dù không phải là nơi đề ra chính sách, không thể đi tìm lời giải cho tất cả vấn đề đang đặt ra, nhưng MSC luôn được coi là diễn đàn quan trọng để các nhà lãnh đạo, các bên đối thoại cấp cao tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, thảo luận các giải pháp cho những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế Đức Wolfgang Bork đánh giá có thể thông qua hội nghị này để các bên tìm ra một định dạng đàm phán mới, song điều đó chỉ có thể được thực hiện nếu tất cả các bên ngồi lại với nhau.
Sau một năm, cuộc khủng hoảng Ukraine đã gây ra những hệ lụy khôn lường, đã tới lúc các bên cần cùng suy nghĩ một cách bình tĩnh về những nỗ lực khả thi để chấm dứt xung đột bằng cách trao cho hòa bình một cơ hội./.