Hội đồng Tổng thống Yemen bổ nhiệm nhà ngoại giao hàng đầu làm Thủ tướng
Theo chuyên gia Al-Basha, ông Ahmed Awad bin Mubarak là "kẻ thù lâu năm" của Houthi, do đó nhóm này khó có thể chấp nhận việc bổ nhiệm ông làm Thủ tướng Yemen.
Hội đồng Tổng thống Yemen ngày 5/1 đã bổ nhiệm Ngoại trưởng nước này Ahmed Awad bin Mubarak làm Thủ tướng mới trong một động thái bất ngờ mà giới phân tích cho rằng có thể sẽ chọc giận lực lượng Houthi ở nước này.
Sắc lệnh do Hội đồng Tổng thống Yemen ban hành và được hãng thông tấn chính thức Saba của Yemen đăng tải đã công bố việc bổ nhiệm ông Bin Mubarak làm Thủ tướng và chỉ định Thủ tướng sắp mãn nhiệm Abdulmalik Saeed làm Cố vấn Chủ tịch Hội đồng Tổng thống.
Sắc lệnh không nêu lý do cho việc thay thế nói trên.
Động thái mới nhất của Hội đồng Tổng thống Yemen được đưa ra vào thời điểm căng thẳng ngày càng gia tăng ở quốc gia nghèo nhất Bán đảo Arab này sau một loạt cuộc tấn công ở Biển Đỏ của Houthi khiến Mỹ và Anh tiến hành các cuộc tấn công trả đũa.
Ông Bin Mubarak, cựu Đại sứ Yemen tại Mỹ, được nhiều người cho là "kẻ thù lâu năm" của Houthi, lực lượng đã bắt cóc ông vào năm 2015 và giam giữ ông trong vài ngày.
Trước đó, ông Bin Mubarak từng giữ chức Chánh Văn phòng Tổng thống Yemen và được bổ nhiệm làm Đại diện thường trực của Yemen tại Liên hợp quốc vào năm 2018 trước khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Yemen trong cùng năm.
Nhà phân tích Mohammed Al-Basha, chuyên gia về Yemen tại hãng nghiên cứu Navanti có trụ sở tại Mỹ, nhận định ông Bin Mubarak được coi là một trong những "kiến trúc sư của Liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu" can thiệp chống lại Houthi vào năm 2015 để hỗ trợ Chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen, một năm sau khi lực lượng nổi dậy này chiếm đóng thủ đô Sanaa.
Theo chuyên gia Al-Basha, ông Bin Mubarak là "kẻ thù lâu năm" của Houthi, do đó nhóm này khó có thể chấp nhận việc bổ nhiệm ông làm Thủ tướng Yemen.
Chuyên gia này cho rằng việc bổ nhiệm ông Bin Mubarak có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Houthi và Chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen.
Houthi đã quấy rối hoạt động hàng hải ở Biển Đỏ trong nhiều tháng qua, dẫn đến các cuộc tấn công trả đũa của Mỹ và Anh. Lầu Năm Góc cho hay Houthi đã thực hiện hơn 30 cuộc tấn công nhằm vào các tàu thương mại và tàu hải quân ở Biển Đỏ kể từ ngày 19/11 năm ngoái.
Houthi tuyên bố các cuộc tấn công của lực lượng này là nhằm thể hiện sự đoàn kết với người Palestine và phản đối cuộc xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza./.