Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua nghị quyết của Việt Nam và các nước
Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam, Bangladesh và Philipines đề xuất, soạn thảo đã được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 12/7, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã kết thúc khóa họp thường kỳ lần thứ 56 với 25 nghị quyết và quyết định được thông qua, trong đó có nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam, Bangladesh và Philipines đề xuất, soạn thảo.
Khóa họp lần này của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thu hút sự tham dự của đông đảo đại diện các nước, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ.
Khóa họp gồm 5 phiên thảo luận chuyên đề, các phiên thảo luận và đối thoại về 37 thủ tục đặc biệt cùng các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc, và nhiều phiên tham vấn về các dự thảo nghị quyết.
Bên cạnh những nghị quyết và quyết định được thông qua, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cũng đã hoàn thành thủ tục về Báo cáo UPR chu kỳ IV của 14 nước.
Tại khóa họp lần này, Đại sứ Mai Phan Dũng cùng đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực trong quá trình xây dựng, giới thiệu nghị quyết hằng năm của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, cũng như trong ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.
Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người được Việt Nam, Bangladesh và Philippines giới thiệu từ năm 2008.
Ngày 10/7, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Nghị quyết năm 2024 về biến đổi khí hậu và quyền con người với chủ đề chuyển đổi công bằng.
Đây là thành công của cả 3 phái đoàn từ việc đề xuất, soạn thảo nội dung đến tham vấn và vận động các nước thông qua.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tích cực tham gia và phát biểu tại khóa họp, trong đó có các phiên họp, phiên thảo luận về nhiều chủ đề như quyền con người, quyền sức khỏe, quyền giáo dục, đói nghèo cùng cực, chống phân biệt với phụ nữ và trẻ em gái…, cũng như tại các phiên thông qua báo cáo UPR của các nước.
Cùng với các nước ASEAN, đoàn Việt Nam cũng đã có phát biểu chung về hợp tác kỹ thuật.
Trong suốt khóa họp, đoàn Việt Nam tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với đoàn đại diện của các nước, tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, đồng bảo trợ nhiều sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác, thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, góp phần cùng các nước đảm bảo hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Đồng thời, cũng khẳng định phương châm của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2023-2025 là đối thoại và hợp tác, tôn trọng và hiểu biết, bảo đảm quyền con người cho tất cả mọi người./.