Hoạt động đối ngoại Quốc hội phục vụ phát triển đất nước

Có thể nói, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2022 đã rất thành công, tạo đà để năm 2023 tiếp tục phát huy những thế mạnh và đặc trưng riêng có, thiết thực phục vụ phát triển đất nước.

Bài 2: Tập trung hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Năm 2022 khi đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát, nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đã mở cửa trở lại, tạo điều kiện cho các hoạt động không chỉ giao thương, du lịch, mà còn là các hoạt động đối ngoại, trong đó đối ngoại của Quốc hội diễn ra với tần suất dày đặc hơn và cũng rất phong phú, sôi động.

Với phương châm Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ giải quyết nhiều vấn đề cấp bách của đất nước, đặc biệt trong nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại Quốc hội năm 2022 đã tập trung trọng tâm vào ngoại giao kinh tế, huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà khẳng định năm 2022, công tác đối ngoại của Quốc hội đã diễn ra sôi động, thực chất và hiệu quả.

Triển khai toàn diện, sâu rộng

- Năm 2022, hoạt động đối ngoại của Quốc hội trên cả bình diện song phương và đa phương diễn ra sôi động, hiệu quả cả về chất và lượng. Chủ nhiệm có thể chia sẻ cụ thể hơn về những hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm qua?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: Có thể nói, mục tiêu chính trong hoạt động đối ngoại năm 2021 là ngoại giao vaccine thì đến năm 2022, trọng tâm của công tác đối ngoại là hỗ trợ công tác phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong tổng thể đó, công tác đối ngoại Quốc hội đã tập trung đẩy mạnh và triển khai một cách toàn diện, sâu rộng, thực chất và hiệu quả từ các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Sản phẩm gỗ cao su ghép thanh xuất khẩu của Công ty TNHH gỗ Nam Mỹ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bên cạnh công tác hỗ trợ việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động đối ngoại Quốc hội cũng tập trung vào việc học tập, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế trong các hoạt động chuyên môn của Quốc hội như công tác lập pháp, công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, trọng tâm vẫn là tập trung vào việc triển khai các chương trình, đề án về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Trong năm 2022, các hoạt động của lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tập trung vào việc thúc đẩy kinh tế. Trong các chuyến công tác, nội hàm kinh tế cũng rất được chú trọng; Chủ tịch Quốc hội tham dự nhiều diễn đàn thương mại, đầu tư cũng như hợp tác kinh tế với các nước trong các chuyến thăm của mình.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội tham dự nhiều diễn đàn về hợp tác giáo dục, đây là một thế mạnh của các nước đến thăm trong năm vừa qua mà chúng ta cũng muốn thúc đẩy như Hungary, Vương quốc Anh, Australia và New Zealand.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra được Chủ tịch Quốc hội cũng như các đồng chí lãnh đạo khác của Quốc hội quan tâm và thúc đẩy.

- Thưa Chủ nhiệm, nhìn lại hoạt động đối ngoại trong năm 2022, ông có thể chia sẻ về những dấu ấn, điểm nhấn mà Quốc hội đã đạt được?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: Sau một thời gian dài bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2022 đã diễn ra một cách rất sôi động. Chúng ta cũng tập trung vào những địa bàn có yếu tố chiến lược trong tổng thể quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia, trong tổng thể quan hệ chung kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào cũng như 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Vương quốc Campuchia, nhiều hoạt động của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đã được triển khai.

Quốc hội Việt Nam đã ký mới các thỏa thuận hợp tác với bạn nhằm tăng cường quan hệ hợp tác với hai đối tác rất quan trọng và đặc biệt của Việt Nam trong bối cảnh mới cũng như trong tình hình thế giới hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp.

Quốc hội Việt Nam cũng triển khai tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị đối với Quốc hội, Nghị viện các nước Lào, Campuchia để chia sẻ kinh nghiệm về phục hồi và phát triển kinh tế dưới khía cạnh của công tác lập pháp và công tác giám sát, việc thực hiện các chức năng của Quốc hội.

Đối với các đối tác khác ở châu Âu cũng như ở Nam Thái Bình Dương, chúng ta có những ký kết thỏa thuận hợp tác mới với Nghị viện các nước như Australia, Hungary.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại các diễn đàn đa phương, Quốc hội Việt Nam cũng chủ động đưa ra những chủ đề nhằm đảm bảo việc thực hiện chiến lược phát triển của đất nước từ nay đến năm 2030, với tầm nhìn là 2045, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Đó là những vấn đề phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng; làm sao chúng ta vừa thực hiện được các cam kết quốc tế, nhưng đồng thời cũng yêu cầu các nước phát triển phải thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm đối với những vấn đề đặt ra trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay.

Huy động nguồn lực tốt nhất phục vụ phát triển đất nước

- Bên cạnh việc tham mưu và đề ra kế hoạch đối ngoại của Quốc hội, công tác giám sát cũng là hoạt động rất quan trọng của Ủy ban Đối ngoại. Trong năm 2022, chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài," do Ủy ban Đối ngoại triển khai được đánh giá rất thành công, góp phần giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc chính sách, pháp luật nhằm tạo điều kiện cho đồng bào ở xa Tổ quốc đóng góp cho sự phát triển đất nước. Ông có thể chia sẻ về việc triển khai chuyên đề giám sát này trong năm qua và kế hoạch trong thời gian tới?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: Công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng là những hoạt động rất quan trọng của Ủy ban Đối ngoại.

Về giám sát, chúng tôi triển khai đồng bộ việc giám sát trên các lĩnh vực công tác được phân công. Năm 2022, chúng tôi đã triển khai hoạt động giám sát những vấn đề về biên giới lãnh thổ và những vấn đề về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; chuẩn bị giám sát về việc thực hiện các cam kết của Việt Nam đối với các mục tiêu phát triển bền vững.

Hơn 40 kiều bào đến từ 17 quốc gia trên thế giới thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta đã có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 45 và gần đây nhất là Kết luận 12 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36.

Với trách nhiệm là cơ quan lập pháp, chúng tôi đã có những bước chuẩn bị và tổ chức nhiều hoạt động để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con người Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần cộng đồng là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Qua đó, thể chế hóa được những chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, huy động được nguồn lực tốt nhất để phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Hiện nay, chúng ta đang xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) và đây cũng là vấn đề bà con rất quan tâm. Nhận thấy điều đó, chúng tôi cũng có những cuộc tiếp xúc và trao đổi nhân dịp bà con về dự Chương trình “Xuân quê hương 2023," đón Năm mới, Xuân Quý Mão ở Việt Nam.

Ủy ban Đối ngoại đã và đang phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức các tọa đàm để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những ý kiến đóng góp của bà con đối với những nội dung thuộc trách nhiệm của Quốc hội.

Qua đó giúp chúng ta tiếp tục thực hiện tốt Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam nước ngoài; thể chế hóa, nội luật hóa những chính sách của Đảng và Nhà nước để bà con cảm thấy Tổ quốc, đất nước luôn luôn bên cạnh mỗi khi bà con gặp khó khăn, vấn đề khúc mắc ở nước ngoài.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

- Như Chủ nhiệm đã chia sẻ, trọng tâm của đối ngoại năm 2021 Quốc hội là ngoại giao vaccine. Năm 2022, Quốc hội đã đồng hành với Chính phủ trong phục hồi kinh tế-xã hội. Chủ nhiệm có thể chia sẻ về định hướng hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2023 cũng như giải pháp để phát huy vai trò của Quốc hội tiếp tục đồng hành với Chính phủ trong phát triển kinh tế-xã hội?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: Tôi cho rằng năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Đây là năm bản lề để tích cực triển khai nhằm đạt được những mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Do vậy, đồng hành với các nhiệm vụ đó, hoạt động đối ngoại của Quốc hội sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và tăng cường độ tin cậy chính trị với các nước để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như trên thế giới và đảm bảo an ninh, quốc phòng đất nước.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần mở rộng ngoại giao văn hóa để tăng cường giao lưu nhân dân; hợp tác về giáo dục, đào tạo để phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước, cũng như hợp tác về lao động để tăng cường đào tạo lao động, góp phần xuất khẩu lao động.

Về phía Quốc hội, tôi cho rằng các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường hợp tác với các cơ quan của Nghị viện các nước để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt, đối với những lĩnh vực cần ưu tiên nguồn lực để tập trung vào phát triển đất nước trong thời gian tới đây.

- Trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà./.

[Bài 1: Phát huy mạnh mẽ lợi thế ngoại giao nghị viện]

Việt Đức (TTXVN/Vietnam+)