Hiệp hội lương thực dự báo giá gạo vẫn ở mức tốt trong ngắn hạn

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, các thị trường xuất khẩu gạo trong quý đầu năm ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống lẫn thị trường tiềm năng.

Tín hiệu tích cực cho mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn trong năm 2023. (Ảnh: TTXVN)

Thông tin tại Hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho hay, Việt Nam đang có lợi thế nguồn cung có sớm từ vụ lúa Đông Xuân, sản lượng, chất lượng lúa gạo ổn định nên dự báo trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt.

Cũng theo ông Nam, những tháng cuối năm, giá lương thực sẽ tiếp tục có những biến động do tình hình biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang… khiến các nước tăng cường dự trữ lương thực.

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng. Tại các nước châu Âu, do xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên, đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

“Nhìn chung về thị trường xuất khẩu gạo năm nay về phía nguồn cung thấp hơn nhu cầu nên đầu ra thuận lợi, vấn đề của ngành gạo năm nay là khâu sản xuất và liên kết sản xuất sao cho có các chủng loại gạo phù hợp với nhu cầu thị trường,” ông Nguyễn Ngọc Nam nhấn mạnh.

[Tín hiệu tích cực cho mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn trong năm 2023]

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin thêm, xuất khẩu gạo quý 1/2023 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo đúng định hướng, gia tăng xuất khẩu các chủng loại gạo Việt Nam có thế mạnh như gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng, gạo cao cấp. và tiếp tục ghi nhận xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng đem lại giá trị cao, giảm tỉ trong xuất khẩu gạo thường chất lượng thấp.

Hơn nữa, các thị trường xuất khẩu gạo trong quý đầu năm ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống lẫn thị trường tiềm năng.

“Xuất khẩu gạo sang các thị trường Đông Nam Á như Indonesia, Singapore đã tăng trưởng cao, xuất khẩu sang EU cũng ghi nhận tăng trưởng gần 50%, nhiều thị trường tăng mạnh như Hà Lan, Bỉ, Ba Lan. Đặc biệt các thị trường truyền thống và trọng điểm vẫn tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc,” ông Tân nói

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để thúc đẩy tăng trưởng ngành gạo, theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt chiến lược xuất khẩu gạo tầm nhìn đến năm 2030 để các doanh nghiệp, địa phương có cơ sở tổ chức triển khai đồng bộ.

Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn trong việc cơ cấu lại chủng loại giống đặc thù, mã vùng trồng phục vụ cho chiến lược xuất nhập khẩu gạo, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu… để cung cấp cho thị trường tốt hơn.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các cam kết của Việt cũng như nước bạn để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại, cũng như phát huy vai trò liên kết giữa các thương nhân để định hướng xuất khẩu, chủ động đàm phán, giao dịch ký kết hợp đồng xuất khẩu có hiệu quả, nâng cao vị thế gạo Việt Nam tại một số thị trường tiêu thụ lớn./.

Đức Duy (Vietnam+)