Hệ quả đối với an ninh toàn cầu nếu thiếu nguồn tài trợ cho Dải Gaza

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã thành lập ủy ban độc lập để đánh giá hoạt động của UNRWA. Báo cáo cuối cùng của ủy ban độc lập dự kiến sẽ được hoàn tất và công bố vào cuối tháng 4.

Một em nhỏ tại khu trại tạm cho người tị nạn Palestine ở thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 10/2/2024. (Ảnh minh họa: THX/TTXVN)

Ngày 4/3, người đứng đầu Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Philippe Lazzarini cảnh báo những hệ quả nghiêm trọng đối với an ninh và hòa bình toàn cầu nếu các nước ngừng cung cấp tài trợ cho tổ chức này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Lazzarini bày tỏ quan ngại khi Mỹ cùng các nước khác đã đình chỉ tài trợ cho UNRWA sau khi Israel cáo buộc một số nhân viên của UNRWA có liên quan tới cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10/2023.

Ông nhấn mạnh UNRWA đóng vai trò "xương sống" trong các hoạt động viện trợ nhân đạo ở Gaza. Tuy nhiên, cơ quan này đang gặp khó khăn và eo hẹp về nguồn tài chính, sau khi 16 nước ngừng cung cấp viện trợ với tổng giá trị 450 triệu USD.

Hôm 5/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chỉ định thành lập ủy ban độc lập để đánh giá hoạt động của UNRWA. Báo cáo cuối cùng của ủy ban độc lập dự kiến sẽ được hoàn tất và công bố vào cuối tháng 4.

Trong khi đó, mặc dù ngừng cung cấp tài chính cho UNRWA, Mỹ cho biết đang huy động mọi nguồn lực và biện pháp có thể để tăng cường cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân ở Gaza.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 4/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington "lạc quan" về khả năng cung cấp viện trợ cho Gaza thông qua hành lang mới trên biển mà nước này đang nỗ lực thiết lập. Tuy nhiên, ông không cung cấp chi tiết về việc thiết lập hành lang mới này.

Thừa nhận tình hình nhân đạo ở Gaza là "không thể chấp nhận được", ông Miller cho biết các tuyến vận chuyển hàng viện trợ bằng đường hàng không và đường biển sẽ bổ sung cho hành lang vận chuyển bằng đường bộ.

Theo đó, Mỹ sẽ tiếp tục thả hàng viện trợ xuống Gaza, sau khi các máy bay của quân đội Mỹ đã tiến hành thả lô hàng viện trợ đầu tiên xuống Dải Gaza hôm 2/3.

Người phát ngôn này nhấn mạnh mục tiêu của Mỹ là thiết lập chiến lược cứu trợ toàn diện bao gồm các tuyến đường vận chuyển trên không, trên bộ và trên biển để tối đa hóa luồng viện trợ nhân đạo vào Gaza và đảm bảo đến được tay người dân đang thiếu thốn.

Theo người phát ngôn này, Chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn đang tiếp tục hối thúc Israel mở thêm một cửa khẩu trên bộ nhằm hỗ trợ hoạt động đưa hàng viện trợ vào phía Bắc Gaza. Hiện xe tải chở hàng viện trợ đi qua hai cửa khẩu biên giới ở phía Nam Gaza.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, khoảng 576.000 người, tương đương khoảng 25% dân số ở Gaza, đang bên bờ vực nạn đói, sau gần 5 tháng xung đột giữa Hamas-Israel./.