'Happy Tết 2024': Tái hiện nghi lễ rước diều mong năm mới mưa thuận gió hòa
Chương trình "Happy Tết 2024" sẽ tái hiện nghi lễ rước diều có từ thời Lê nhằm cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa.
Nghi lễ rước diều cổ hơn 300 năm tuổi mong năm mới mưa thuận gió hòa sẽ được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long vào ngày 25/1.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Diều Việt Nam, đây là con diều cổ có từ thời Lê, được bảo tồn tại Đền Song An (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Con diều có chiều dài 1m, được làm hoàn toàn bằng tre, giấy; sáo và dây diều dài 100m cũng được làm bằng tre.
Từ thời Lê, lễ hội Sáo Đền (lễ hội thả diều Đền Song An) thường diễn ra vào đầu Xuân năm mới. Trong những ngày Tết cổ truyền, vua cho quân lính thả diều để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ngày nay, lễ hội vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy tại Song An nhằm tưởng nhớ những vị tướng thời Lê, trở thành nét đẹp truyền thống của xã Song An. Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Tục chơi sáo diều trong lễ hội Sáo Đền" ở xã Song An, huyện Vũ Thư là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Hiện nay, con diều cổ đã được đưa từ Thái Bình về bảo quản tại Hoàng thành Thăng Long. Nghi lễ rước diều sẽ diễn ra vào 10h ngày 25/1 từ Điện Kính Thiên đến khu vực sân khấu chính.
Trong Không gian Giới thiệu Văn hóa Diều Việt Nam, ngoài con diều cổ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Diều Việt Nam sẽ trưng bày 200 con diều các loại, đến từ nhiều câu lạc bộ diều trên cả nước.
Bên cạnh đó, Không gian Giới thiệu Văn hóa Diều Việt Nam còn có nhiều hoạt động trải nghiệm như: Nghệ nhân kể chuyện diều, hướng dẫn người dân và du khách cách làm diều và vẽ trên những cánh diều.
Đây là một hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Happy Tết 2024” kéo dài từ ngày 24-28/1, do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức.
Với quy mô 3.000-3.500m2, không gian “Happy Tết 2024” được thiết kế, trang trí hoành tráng, công phu và đầy sáng tạo nhằm giới thiệu ngày Tết truyền thống, quảng bá du lịch dịp Tết dành cho kiều bào nước ngoài, du khách quốc tế đến với Thủ đô, là nơi kết nối giao thương của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư tại Hà Nội đồng thời cũng là nơi để quảng bá các giá trị văn hóa, di sản, trưng bày sản phẩm, hàng tiêu dùng chất lượng cao phục vụ người dân trong dịp Tết.
Điểm nhấn cho chuỗi trải nghiệm không khí Tết là hình ảnh nhà ga với chuyến đi có ý nghĩa đặc biệt, đưa những người con xa quê về quê ăn Tết. Xuất phát từ mô hình Ga Hà Nội, “Chuyến tàu Quê hương” sẽ đưa người dân và du khách chiêm ngưỡng những vườn hoa Xuân rực rỡ bên cây cầu Long Biên cổ kính.
Tiếp đến “Không gian nhà Hà Nội xưa” phục dựng Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây. Tại đây, du khách sẽ được tìm hiểu phong tục đón Tết truyền thống của một gia đình Hà Nội: Cùng gói bánh chưng trong hương thơm của nước mùi già, cùng chuẩn bị mâm cúng Giao thừa...
“Không gian Tết miền Trung” diễn ra trong công trình mô phỏng nhà vườn An Hiên Huế với thiết kế hồ sen trước cửa cùng các tiểu cảnh thể hiện đặc trưng của Tết miền Trung.
“Không gian Tết miền Nam” tái hiện hình ảnh ngày Tết sôi động, nhộn nhịp trên chợ nổi, mang đậm dấu ấn miệt vườn, sông nước.
“Không gian Tết sắc màu dân tộc” kể câu chuyện sinh hoạt của đồng bào dân tộc ngày Tết với những nghi lễ, phong tục truyền thống.
“Không gian quảng bá ẩm thực Tết Hà Nội và các vùng miền” chính là linh hồn của sự kiện, bởi ẩm thực không chỉ phản ánh văn hóa bản địa của mỗi vùng, miền mà còn chứa đựng hồn cốt văn hóa của dân tộc, quan niệm nhân sinh và những giá trị bền vững, đặc trưng riêng có của Hà Nội cũng như cả nước.
Theo Ban Tổ chức, chương trình còn có nhiều hoạt động bên lề như triển lãm ảnh, tư liệu về Tết xưa; chương trình biểu diễn nghệ thuật; nhiều trò chơi dân gian truyền thống như nặn tò he, vẽ tranh, đập niêu, ném còn, bắt vịt…
Lễ khai mạc chương trình "Happy Tết 2024" sẽ bắt đầu từ 18h30 ngày 24/1 tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, bao gồm: Nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên và chương trình nghệ thuật chào mừng.
Lễ khai mạc sử dụng công nghệ 3D Mapping, trình diễn ánh sáng nghệ thuật mang âm hưởng văn hóa sử thi, bao gồm 3 phần: Hào khí Thăng Long, Văn hóa ngàn năm, Việt Nam rạng ngời, được dàn dựng vô cùng công phu với nhiều tiết mục đặc sắc chào đón Xuân Giáp Thìn 2024./.