Hành trình 20 năm nỗ lực vì nạn nhân Chất độc Da cam

Chất độc da cam đã làm hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân; hàng trăm nghìn người đã chết, hàng trăm nghìn người đang phải vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo.

Đại hội V Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Tròn 20 năm hình thành và phát triển, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, xây đắp nên truyền thống "Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam."

Đó là tài sản tinh thần vô giá, là sự kết tinh trí tuệ, công sức, tình cảm và trách nhiệm của các thế hệ cán bộ, hội viên, luôn nỗ lực vì nạn nhân chất độc da cam.

20 năm trưởng thành và phát triển

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam kéo dài trong 10 năm, với khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học đã phun rải xuống miền Nam Việt Nam, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Chất độc da cam đã làm hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân; hàng trăm nghìn người đã chết, hàng trăm nghìn người đang phải vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, sống đời sống thực vật.

Đặc biệt, tác hại của Chất độc Da cam/Dioxin còn kéo dài qua nhiều thế hệ, đến nay đã truyền sang thế hệ thứ 4.

Việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học, hàn gắn vết thương chiến tranh và đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam, đòi hỏi phải có một tổ chức có vai trò và đủ sức đảm đương nhiệm vụ.

Trong bối cảnh đó, ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam (tên viết tắt tiếng Anh là VAVA) chính thức ra mắt hoạt động. Ngày 10/1 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam.

Kể từ khi thành lập năm 2004 đến nay, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước được suy tôn làm Chủ tịch Danh dự của Hội. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Hội.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được bầu giữ chức Chủ tịch Hội từ tháng 12/2008 đến tháng 12/2023.

Tại Đại hội lần thứ V, diễn ra ngày 29/12/2023, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng được bầu làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2023-2028.

Báo cáo tổng kết hoạt động 20 năm qua cho thấy, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, với nhiệm vụ trọng tâm là chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam.

Đến nay, Hội có tổ chức ở Trung ương và hội thành viên ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hơn 610 hội cấp huyện và gần 6.630 hội cấp xã, với tổng số hơn 400.000 hội viên.

Quỹ Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin đã được thành lập ở Trung ương, 40/63 tỉnh, thành phố, 108 quận, huyện và quỹ tự nguyện ở gần 550 xã, phường, thị trấn.

Kể từ khi thành lập đến tháng 11/2023, toàn Hội đã vận động được hơn 4.236 tỷ đồng (bao gồm tiền và hiện vật) để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, như xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội, xông hơi giải độc; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà; tặng quà, trợ cấp khó khăn; hỗ trợ học bổng, dạy nghề, tìm việc làm, khám chữa bệnh… Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân ngày càng hiệu quả và mang tính bền vững hơn.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Phong trào thi đua "Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" của Hội gắn với phong trào "Hành động vì nạn nhân chất độc da cam" do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động được triển khai sâu rộng, hiệu quả cao.

Với phương châm "Đổi mới, hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân," Trung ương Hội đã phát động và đẩy mạnh Phong trào thi đua vì nạn nhân chất độc da cam, gắn với Phong trào Hành động vì nạn nhân chất độc da cam do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Các hoạt động và công tác vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam được đẩy mạnh, đặc biệt là trong dịp Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10/8), Tết Vì nạn nhân chất độc da cam, nhắn tin từ thiện vì nạn nhân chất độc da cam…

Hoạt động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin được thực hiện kiên trì, phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức, đánh giá của các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ đối với nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin, góp phần quan trọng làm cho Quốc hội, Chính phủ Hoa Kỳ thay đổi nhận thức, có trách nhiệm hơn trong việc tham gia cùng Việt Nam tẩy độc môi trường, xử lý chất độc dioxin còn tồn lưu tại sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã triển khai thực hiện dự án hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin tại các tỉnh bị phun rải nặng và đang thực hiện một số dự án khác trực tiếp cho nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin...

Cùng với những hoạt động nêu trên, thời gian diễn ra vụ kiện của bà Trần Tố Nga tại Pháp, Hội đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Luật sư Pháp; đồng thời tích cực vận động nguồn lực hỗ trợ bà Trần Tố Nga khởi kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ; kịp thời ra Tuyên bố ủng hộ vụ kiện và gửi Thư ngỏ tới các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế phản đối phán quyết của tòa án khi xét xử sơ thẩm vụ án; tiếp tục đồng hành cùng bà Trần Tố Nga khởi kiện lên tòa phúc thẩm của thành phố Paris (Pháp).

Với những thành tích xuất sắc đạt được, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; được Ban Bí thư Trung ương Đảng tặng Bức trướng "Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam"; hơn 20 tỉnh, thành Hội được tặng thưởng Huân chương Lao động; nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Cờ, Bằng khen…

Hành động vì nạn nhân chất độc da cam

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin khóa IV, nhiệm kỳ 2018-2023, khẳng định, giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam vừa là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã tham gia kháng chiến, cống hiến hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vừa là vấn đề xã hội nhân đạo đối với đồng bào ở những vùng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam là đòi hỏi cấp bách, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội và đối ngoại sâu sắc.

Bà Trần Tố Nga (đứng thứ ba, trái sang) trao xe lăn và sinh kế cho nạn nhân da cam tại Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam ra đời là thành quả của quá trình vận động kiên trì, mang tính lịch sử, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề da cam, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là của hàng triệu nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam.

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, trong suốt 20 năm qua, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, chủ động triển khai toàn diện các mặt công tác, vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp hoạt động, hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác hội, xây đắp nên truyền thống đáng tự hào và tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển tiếp theo.

Mạng lưới tổ chức hội không ngừng được củng cố, phát triển, hoạt động ngày càng hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Các cấp hội đã làm tốt công tác tham mưu, phản biện xã hội; phát hiện những vấn đề bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách để phản ánh với cơ quan chức năng và báo cáo với cấp có thẩm quyền; tích cực tham gia rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị di chứng da cam.

Công tác vận động nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội không ngừng được mở rộng, đi vào chiều sâu, góp phần tập hợp lực lượng, hình thành mạng lưới đấu tranh rộng rãi vì hòa bình và công lý, đồng thời kết nối những tấm lòng nhân ái của bạn bè quốc tế, của người Việt Nam ở nước ngoài với nạn nhân chất độc dan cam Việt Nam.

Cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế tích cực ủng hộ, yêu cầu Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả chất độc hóa học mà họ gây ra trong chiến tranh ở Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh khẳng định: Trải qua 20 năm xây dựng, trưởng thành, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, xây đắp nên truyền thống "Đoàn kết-Nghĩa tình-Trách nhiệm-Vì nạn nhân chất độc da cam," thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc, mái ấm nghĩa tình của hội viên và nạn nhân chất độc da cam, là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.

"Đó là tài sản tinh thần vô giá, là sự kết tinh trí tuệ, công sức, tình cảm và trách nhiệm của các thế hệ cán bộ, hội viên, luôn nỗ lực vì nạn nhân chất độc da cam," Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh.

Phát huy truyền thống, thành tích đạt được, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028, khẳng định tập thể Ban chấp hành khóa V sẽ luôn đoàn kết thống nhất về tư tưởng, hành động, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của Hội, tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, nói đi đôi với làm, luôn hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân chất độc da cam.

Đồng thời, tiếp tục phát huy kết quả kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, tham mưu đề xuất vận động được nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, quan tâm chăm sóc, cải thiện nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nạn nhân chất độc da cam, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao phó, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh./.