Hành lang Netzarim ở Gaza tiết lộ gì về kế hoạch thời hậu chiến của Israel?
Các nhà phân tích cho rằng việc xây dựng Hành lang Netzarim là một phần trong dự án quy mô lớn của quân đội Israel nhằm định hình lại Gaza và củng cố sự hiện diện của họ ở đây.
Theo hình ảnh vệ tinh và các bằng chứng trực quan khác, quân đội Israel đang củng cố hành lang chiến lược chia đôi Gaza, xây dựng căn cứ, tiếp quản các công trình dân sự và san bằng nhà cửa.
Các nhà phân tích quân sự và chuyên gia Israel cho rằng đây là một phần của dự án quy mô lớn để định hình lại Dải Gaza và củng cố sự hiện diện quân sự của Israel tại đây.
Hành lang Netzarim là con đường dài gần 6,5km ngay phía Nam thành phố Gaza, chạy từ Đông sang Tây, kéo dài từ biên giới Israel đến biển Địa Trung Hải.
Phong trào Hồi giáo Hamas đã coi việc Israel rút khỏi khu vực là yêu cầu trọng tâm trong các cuộc đàm phán ngừng bắn.
Nhưng ngay cả khi các cuộc đàm phán ngừng bắn kéo dài trong hai tháng qua, quân đội Israel vẫn tiếp tục củng cố hành lang Netzarim. Ba căn cứ hoạt động tiền phương đã được thiết lập ở hành lang này kể từ tháng 3.
Israel khẳng định họ không có ý định chiếm đóng Gaza vĩnh viễn, nơi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã kiểm soát trong vòng 38 năm cho đến khi rút quân vào năm 2005.
Nhưng việc xây dựng đường sá, tiền đồn và vùng đệm trong những tháng gần đây cho thấy phần nào kế hoạch của IDF tại Gaza thời hậu chiến.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã công bố một số kế hoạch cụ thể cho việc duy trì quyền kiểm soát an ninh “vô thời hạn” đối với Dải Gaza.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Netanyahu cho biết ngoài việc tiến hành các cuộc tấn công từ bên ngoài trong tương lai, quân đội Israel có thể cần phải “ở bên trong” Gaza để đảm bảo phi quân sự hóa Hamas.
Ngoài đòn bẩy trong đàm phán, việc kiểm soát hành lang mang lại cho quân đội Israel khả năng linh hoạt, cho phép IDF có thể triển khai nhanh chóng khắp khu vực.
Nó cũng mang lại cho IDF khả năng duy trì quyền kiểm soát dòng viện trợ và sự di chuyển của những người dân Palestine, điều mà họ cho là cần thiết để ngăn chặn các chiến binh Hamas tập hợp.
Theo phân tích của Adi Ben-Nun, một chuyên gia dữ liệu địa lý của Đại học Do Thái, ít nhất 750 tòa nhà đã bị phá hủy trong nỗ lực có hệ thống nhằm tạo ra một “vùng đệm” trải dài ít nhất 450m ở hai bên đường.
IDF từ chối bình luận về việc dọn dẹp các tòa nhà xung quanh hành lang, nói rằng họ không thể trả lời các câu hỏi về hoạt động trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra.
Các chuyên gia quân sự cho rằng đây là một phần trong kế hoạch tái định hình lâu dài và quy mô lớn tại Gaza, gợi nhớ lại các kế hoạch trước đây của Israel nhằm chia Gaza thành các vùng riêng rẽ dễ kiểm soát hơn.
Hành lang Netzarim được đặt theo tên một khu định cư của Israel từng nằm trên tuyến đường ven biển - “ngón tay” thứ hai trong chiến lược “năm ngón tay” của Thủ tướng Israel lúc bấy giờ Ariel Sharon nhằm chia Gaza thành nhiều đoạn, tất cả đều nằm dưới sự kiểm soát an ninh của Israel.
Kế hoạch này chỉ được thực hiện một phần trước khi Thủ tướng Sharon ra lệnh rút quân khỏi Gaza vào năm 2005.
Hành lang này chia đôi hai con đường bắc-nam chính duy nhất của Gaza - đường Salah al-Din, ở giữa lãnh thổ và đường al-Rashid dọc bờ biển. IDF bắt đầu xây dựng các căn cứ hoạt động tiền phương ở cả hai điểm vào đầu tháng 3.
Michael Horowitz, người đứng đầu cơ quan tình báo Le Beck International, cho biết việc bến tàu tiếp nhận viện trợ bằng đường biển nằm ở cuối hành lang do quân đội Israel kiểm soát “cho thấy IDF muốn kiểm soát dòng viện trợ.”
Theo quan chức quân sự này, hành lang này cũng nối với “Cổng 96,” một điểm tiếp cận mới ở biên giới Israel với trung tâm Gaza, gần đây đã được mở cho xe tải viện trợ.
Liên hợp quốc cho biết việc Israel liên tục từ chối cho phép các đoàn xe nhân đạo tiếp cận miền Bắc Gaza đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn diện tại đây.
Quân đội Israel dường như cũng đã phá hủy và trưng dụng các công trình dân sự gần đó và biến chúng thành tiền đồn quân sự.
Volker Türk, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, cho biết vào tháng Hai: “Israel đã không đưa ra những lý do thuyết phục cho việc phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự trên diện rộng như vậy”.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng kế hoạch chiếm đóng quân sự kéo dài ngày càng có khả năng xảy ra trong trường hợp không có các kế hoạch quản lý khác ở Gaza thời hậu chiến.
Israel đã phản đối đề xuất của Mỹ về việc trao trả lại quyền quản lý Gaza cho Chính quyền Palestine và dường như có rất ít sự ủng hộ trong khu vực đối với các lực lượng an ninh Arab.
Sự hiện diện lâu dài của quân đội Israel sẽ không được “chào đón” tại Gaza, nơi hành lang này đã trở thành “cột thu lôi” cho các cuộc tấn công.
Hamas và các nhóm chiến binh khác, bao gồm Thánh chiến Hồi giáo Palestine và Lữ đoàn al-Aqsa, đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa và súng cối vào quân đội Israel trong hành lang trong tuần trước.
Nhưng khi Hamas quay trở lại các khu vực phía Bắc đã được IDF giải phóng, việc chiếm đóng quân sự - từng là một đề xuất không thể tưởng tượng được ở Israel - đang được thảo luận công khai./.