Hành động quyết liệt, quyết tâm gỡ "thẻ vàng" IUU trong năm 2024
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh: "Cần có quyết tâm đủ để thực hiện mục tiêu, giải pháp của Chỉ thị 32-CT/TW. Mục tiêu rất cao là gỡ bỏ 'thẻ vàng' trong năm 2024.”
Chiều 22/4, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Trụ sở Trung ương Đảng tại Hà Nội đến 28 tỉnh, thành phố có biển.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nêu rõ: Từ năm 2017, khi nhận cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam đã nhận thức được những tác động tiêu cực của vấn đề này đối với phát triển ngành thủy sản lâu dài.
Từ đó đến nay, vấn đề này càng được nhận thức sâu sắc và đầy đủ từ cấp ủy Đảng đến hệ thống chính trị, các địa phương, nhận thức của ngư dân, người lao động có liên quan; hành động cũng ngày càng mạnh mẽ, tích cực hơn.
“Có nhận thức đủ mới hành động đủ, cần có quyết tâm đủ để thực hiện mục tiêu, giải pháp của Chỉ thị 32-CT/TW. Đặc biệt, mục tiêu rất cao là gỡ bỏ 'thẻ vàng' trong năm 2024,” Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Theo Thường trực Ban Bí thư, Chỉ thị 32-CT/TW đã xác định đây là vấn đề quan trọng, cấp bách, lâu dài.
Ảnh hưởng tiêu cực từ cảnh báo “thẻ vàng” đã thấy rõ: Hàng hóa, thủy sản xuất khẩu đến châu Âu phải kiểm soát 100% (thay vì kiểm tra theo xác suất). Chi phí doanh nghiệp cũng tăng lên.
Về lâu dài, nếu không gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thủy sản, phát triển đất nước mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu ngư dân, người lao động có liên quan.
Trên tinh thần đó, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đề nghị các Bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương thể hiện quyết tâm cao để gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên là các cơ quan, tổ chức, các địa phương có liên quan, các đội tàu cá, hợp tác xã, ngư dân, người lao động, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thường xuyên báo cáo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Bí thư về những địa phương, đơn vị làm tốt, địa phương chưa làm tốt để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đó.
Thường trực Ban Bí thư tin tưởng, dù còn nhiều thách thức, nhưng khi nhận thức đầy đủ, hành động quyết liệt thì có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Về lâu dài, cần quan tâm, cấu trúc lại nghề cá theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; quan tâm tạo sinh kế phù hợp, nâng cao đời sống ngư dân, người lao động có liên quan; đồng thời phải có chính sách bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản lâu dài. Trên cơ sở đó, nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị kịp thời biểu dương những cá nhân, cơ quan, địa phương, đơn vị thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời nhắc nhở những cá nhân, đơn vị chưa chấp hành nghiêm.
Quá trình này cần chú trọng tạo sự đồng thuận, quan tâm hỗ trợ cuộc sống, động viên ngư dân, người lao động; bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của ngư dân.
Tại Hội nghị, trình bày Chương trình Hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai Chỉ thị 32-CT/TW, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh yêu cầu: Nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU.
Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU để xử lý dứt điểm tàu cá “ba không;” nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU; đặc biệt là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Các nhiệm vụ tiếp theo là triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất, nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.
Về nhiệm vụ, giải pháp dài hạn phát triển bền vững ngành thủy sản, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản cho ngư dân; nâng cao cuộc sống của cộng đồng ngư dân ven biển và hải đảo.../.