Hãng xe công nghệ Grab lần đầu đạt lợi nhuận sau 10 năm hoạt động
Lợi nhuận được điều chỉnh trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần (EBITDA) của Grab đạt 29 triệu USD trong quý tính đến tháng 9/2023, cao hơn nhiều so với mức dự báo trước đó là 9,5 triệu USD.
Grab Holdings Ltd. ngày 10/11 lần đầu tiên công bố có lợi nhuận trên cơ sở được điều chỉnh, đánh dấu cột mốc quan trọng đối với công ty cung cấp dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn ở Đông Nam Á được thành lập vào năm 2012.
Lợi nhuận được điều chỉnh trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần (EBITDA) của Grab đạt 29 triệu USD trong quý tính đến tháng 9/2023. Con số này cao hơn đáng kể mức dự báo trước đó của các nhà phân tích là 9,5 triệu USD.
Doanh thu của Grab cũng tăng 61% lên 615 triệu USD trong quý, chậm lại so với mức ba con số trong những năm qua do khách hàng trong khu vực hạn chế chi tiêu để đối phó với lạm phát và lãi suất tăng cao.
Nhu cầu đang tăng yếu hơn do cơ sở khách hàng của Grab đang mở rộng. Một lý do khác là người tiêu dùng hiện hạn chế chi tiêu cho việc gọi xe và giao đồ ăn đến tận nhà khi nền kinh tế đang đối mặt nhiều thách thức.
[Đà tuột dốc của cổ phiếu Grab khiến Singapore 'thức tỉnh']
Ông Mark Mahaney, nhà phân tích tại Công ty Tư vấn Tài chính Evercore ISI, cho biết các phân khúc về vận tải chở khách và giao hàng của Grab đang có dấu hiệu cải thiện rõ ràng. Do đó, có cơ sở để tin rằng hoạt động kinh doanh của Grab sẽ tăng tốc hơn nữa trong quý này.
Khoản lợi nhuận trên là một bước tiến lớn trong nỗ lực của Grab nhằm chứng minh với các nhà đầu tư rằng họ có thể sinh lời.
Dù dẫn đầu thị trường gọi xe và giao hàng ở Đông Nam Á, Grab vẫn chưa đạt được thu nhập ròng do buộc phải tiếp tục chi tiêu để cạnh tranh với các đối thủ như GoTo của Indonesia.
Grab cũng cho biết khoản lỗ cả năm dự kiến sẽ là 20-25 triệu USD, nhỏ hơn mức 30-40 triệu USD theo dự báo hồi tháng Tám. Số lượng người dùng giao dịch hàng tháng trên nền tảng của công ty cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay là 36 triệu người.
Trong một cuộc phỏng vấn, Giám đốc tài chính Peter Oey của Grab cho biết tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ bán ra của bộ phận vận tải hành khách sẽ phục hồi về mức trước đại dịch vào cuối năm nay.
Kể từ khi thành lập vào năm 2012, công ty có trụ sở tại Singapore này đã mở rộng nhanh chóng khắp Đông Nam Á. Điều đó đã dẫn đến thua lỗ ngày càng lớn cho Grab, khi công ty phải chi mạnh tay để thu hút tài xế và người dùng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như GoTo và Sea Ltd.
Tăng trưởng chậm lại đã khiến Grab phải tập trung vào lợi nhuận và kiểm soát chi phí. Hồi tháng Sáu, Grab thông báo sẽ cắt giảm hơn 1.000 việc làm để cắt giảm chi tiêu theo ý của các nhà đầu tư./.