Hãng chế tạo máy bay Airbus mở rộng thị phần tại thị trường châu Á
Japan Airlines (JAL) cho biết sẽ mua 21 máy bay thân rộng A350-900 và 11 máy bay thân hẹp A321neo của Airbus, trong khi Korean Air cũng cho biết sẽ đặt mua 33 máy bay A350.
Ngày 21/3, hãng chế tạo máy bay Airbus của châu Âu đã giành được đơn đặt hàng 65 máy bay từ hai hãng hàng không châu Á vốn là khách hàng chủ chốt của hãng Boeing (Mỹ) trong khu vực.
Đây được xem là chiến thắng của Airbus trước Boeing trong bối cảnh hãng chế tạo máy bay của Mỹ này đang đối mặt với các vấn đề về chất lượng sau sự cố bung cửa trên máy bay 737 MAX 9.
Hãng hàng không Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản cho biết sẽ mua 21 máy bay thân rộng A350-900 và 11 máy bay thân hẹp A321neo của Airbus.
Đơn đặt hàng từ hãng hàng không lớn thứ hai Nhật Bản cho phép Airbus phát triển thị phần tại thị trường lâu năm của Boeing. Tuy nhiên, JAL cũng cho biết sẽ mua 10 máy bay Boeing 787 Dreamliner.
Hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc Korean Air cũng cho biết sẽ đặt mua 33 máy bay A350 theo hợp đồng trị giá 13,7 tỷ USD.
Đây là lần đầu tiên Korean Air đặt mua dòng máy bay này khi hãng chuẩn bị sáp nhập với Asiana Airlines, một hãng hàng không khác của Hàn Quốc.
Airbus đang gia tăng thị phần máy bay một lối đi A321neo trong bối cảnh Boeing đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về chất lượng liên quan đến dòng máy bay 737 MAX, trong đó có 2 vụ tai nạn nghiêm trọng vào năm 2018 và 2019.
Theo các nhà phân tích, các đơn hàng mới của hai hãng hàng không nói trên cho thấy nhu cầu mạnh mẽ về máy bay thân rộng, đặc biệt là từ các hãng vận tải hàng không châu Á và Trung Đông, trong bối cảnh du lịch quốc tế gần hồi phục hoàn toàn sau thời gian dài sụt giảm.
Boeing cho biết hãng chiếm 65% thị phần tại thị trường Đông Bắc Á, trong đó có Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong khi đó, Airbus cho biết dòng máy bay A350 của hãng tiêu thụ nhiên liệu ít hơn 25% so với các máy bay thế hệ cũ tương tự./.