Hàn Quốc: Thương mại hóa phương tiện tự hành cấp độ 4 vào năm 2027

Theo Bộ Đất đai-Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc, Hàn Quốc đặt mục tiêu trong năm nay trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới thương mại hóa phương tiện tự hành cấp độ 3, sau Mỹ, Nhật Bản.

(Nguồn: Yonhap News)

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc đang nhắm mục tiêu thương mại hóa phương tiện tự hành cấp độ 4 vào năm 2027 để một nửa số phương tiện mới được ra mắt là mẫu cấp độ 4 vào năm 2035.

Xe tự hành cấp độ 4 là chiếc xe có thể hoạt động gần như độc lập với ít sự can thiệp hoặc điều khiển của tài xế. Xe được thiết kế để xử lý các tình huống bất ngờ, chẳng hạn như sự cố hệ thống, song người lái vẫn có thể lấy lại tay lái bằng tay. Hyundai cho biết kế hoạch này sẽ giúp kiểm chứng và nâng cao hơn nữa công nghệ tự lái.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc đặt mục tiêu trong năm nay trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới thương mại hóa phương tiện tự hành cấp độ 3, sau Mỹ và Nhật Bản. Bộ này nói: “Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ sẽ đại tu các hệ thống giao thông hiện có, đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn an toàn và chương trình bảo hiểm cho ôtô tự hành để cung cấp dịch vụ xe buýt tự hành cấp độ 4 (vào năm 2027)."

Hyundai Mobis Co., một công ty con của Hyundai Motor Group, đã giới thiệu công nghệ tự động hóa cấp độ 4 trong mẫu M.VISION của mình tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) vào tháng 1/2020.

[Hãng Hyundai chạy thử nghiệm xe tự lái cấp độ 4 vào năm tới]

Ở cấp độ 4, xe có thể tự lái trong các điều kiện hạn chế và sẽ không hoạt động nếu không đáp ứng tất cả các điều kiện bắt buộc. Ở cấp độ 5, các tính năng lái xe tự động của xe có thể lái trong mọi điều kiện.

Chính phủ Hàn Quốc cũng tìm cách thương mại hóa các dịch vụ  Cơ động hàng không đô thị (UAM) vào năm 2025. UAM là việc sử dụng các máy bay nhỏ, tự động hóa cao để chở hành khách hoặc hàng hóa ở độ cao thấp hơn trong các khu vực đô thị và ngoại ô.

Ba công ty dịch vụ không dây lớn của nước này là SK Telecom Co., KT Corp. và LG Uplus Corp. cho biết họ sẽ tham gia vào một chương trình do chính phủ khởi xướng nhằm kiểm tra khả năng quản lý giao thông và an toàn của các phương tiện UAM cho các dịch vụ thương mại.

Vào tháng 7/2022, Hyundai Motor Co., một công ty con khác của Hyundai Motor Group, đã trưng bày các công nghệ UAM của họ tại triển lãm Farnborough Airshow của Anh.

Morgan Stanley dự báo giá trị của thị trường UAM toàn cầu sẽ tăng lên 1.470 tỷ USD vào năm 2040, từ mức 7 tỷ USD của năm 2020./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)