Hàn Quốc: Các bệnh viện lớn chịu thiệt hại lên tới hơn 1 tỷ won mỗi ngày
Ngày 27/3, 5 bệnh viện lớn được mệnh danh là “Big 5,” đang phải gánh chịu mức thiệt hại tài chính lên tới hơn 1 tỷ won mỗi ngày do tình trạng các bác sỹ tập sự nghỉ việc hàng loạt.
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, các bệnh viện đa khoa lớn ở Seoul đang phải chịu thiệt hại kinh tế lớn do các bác sỹ tập sự nghỉ việc hàng loạt hơn một tháng qua, khiến các hoạt động y tế không thể triển khai đầy đủ và dịch vụ y tế phải cắt giảm do không thể tiếp nhận bệnh nhân.
Theo nguồn tin y tế ngày 27/3, 5 bệnh viện lớn được mệnh danh là “Big 5,” đang phải gánh chịu mức thiệt hại tài chính lên tới hơn 1 tỷ won mỗi ngày do tình trạng các bác sỹ tập sự nghỉ việc hàng loạt.
Do thiếu nhân lực, các bệnh viện đã tiến hành gộp các bước của quy trình chữa bệnh, sáp nhập các khoa và giảm số phòng cấp cứu.
Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul đã đóng cửa 10 khoa, phòng trong số 60 khoa, phòng chức năng, bao gồm phòng cấp cứu tạm thời và một phần khu phụ trợ của bệnh viện ung thư nhằm đảm bảo hiệu quả trong quản lý nhân lực.
Khu khép kín vốn chỉ được sử dụng cho phẫu thuật và nội khoa nay được mở để sử dụng cho chỉnh hình, thận và nội tiết.
Một lãnh đạo bệnh viện cho biết Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul đang phải chịu khoản thâm hụt lên tới 100 tỷ won. Bệnh viện Đại học Quốc gia cơ sở ở Busan, tính đến ngày 26/3 cũng đang thâm hụt tới 60 tỷ won.
Trung tâm Y tế Asan ở Seoul, nơi đã công bố điều hành theo “tình trạng khẩn cấp” đã đóng cửa 9 trong số 56 khoa, phòng. Còn Bệnh viện St. Mary ở Seoul cũng đóng cửa 2 trong số 19 khoa phòng chức năng.
Trong khi đó, Bệnh viện Severance nổi tiếng ở Seoul cũng bắt đầu sáp nhập các khoa phòng để quản lý theo tình trạng khẩn cấp. Theo đó, bệnh viện này đang xem xét sáp nhập 6 trong tổng số 75 khoa phòng.
Thông tin từ giới chức y tế cho biết hầu hết các khoa, phòng đóng cửa đều là khoa phẫu thuật và tình trạng này là do số ca phẫu thuật giảm mạnh khi các bác sỹ tập sự đồng loạt nghỉ việc.
Khi số ca phẫu thuật giảm, số bệnh nhân nhập viện cũng giảm, dẫn đến việc sử dụng giường bệnh giảm, cuối cùng dẫn đến việc các bệnh viện buộc phải sáp nhập hoặc đóng cửa một số khoa phòng.
Hiện tại, các bệnh viện vẫn duy trì phòng cấp cứu song cũng không thể vận hành với đầy đủ công suất. Sau thời điểm ngày 19/2, khi các bác sỹ tập sự nghỉ việc hàng loạt, các bệnh viện cũng đồng loạt hạn chế điều trị cho những bệnh nhân nhẹ và hoạt động tập trung vào những bệnh nhân bị bệnh nặng.
Để đối phó với tình hình tài chính sụt giảm, các bệnh viện lớn không chỉ kéo giãn thời gian điều trị, giảm số bệnh nhân nhập viện, đóng cửa hoặc sáp nhập các khoa phòng chuyên môn mà còn phân bổ lại cơ cấu nhân sự.
Do số lượng ca phẫu thuật giảm mạnh và không thể tiếp nhận bệnh nhân nhập viện điều trị nên trừ bác sỹ và y tá, các bệnh viện đang buộc các nhân viên khác nghỉ phép không lương.
Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và Trung tâm Y tế Asan được cho là đang tiếp nhận đơn xin nghỉ phép không lương của những nhân viên không phải bác sỹ.
Một lãnh đạo của ngành y tế cho biết với việc bác sỹ tập sự nghỉ việc hơn 1 tháng qua và động thái từ chức của các giáo sư hiện tại, rất khó dự đoán tình hình các bệnh viện sẽ cầm cự ra sao./.