Hạn chế tác động của nắng nóng và dịch hại trên lúa Đông Xuân

Các địa phương cần lưu ý đối với sâu cuốn lá lứa 2 đang phát triển mạnh, mật độ khá cao ở các địa phương Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, đồng thời cần chủ động hạn chế tác động của nắng nóng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo dự báo, nắng nóng có khả năng gia tăng hơn từ khoảng tháng 5-7/2023 và tập trung nhiều tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Trong khi đó, lúa Đông Xuân tại các tỉnh Bắc Trung Bộ đã trỗ. Tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc lúa đang giai đoạn phân hóa đòng.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng các địa phương cần chủ động hạn chế tác động của nắng nóng và phòng trừ dịch hại kịp thời, đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ Đông Xuân.

[Nhu cầu mua lúa tăng cao khiến giá lúa Đông Xuân duy trì ở mức cao]

Theo Cục Trồng trọt, tại khu vực Bắc Trung Bộ, đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch cần bố trí tối đa nguồn nhân lực, máy móc khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa Đông Xuân đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do những đợt mưa dông bất thường gây ra.

Trên các diện tích đã thu hoạch triển khai cày lồng vùi rơm rạ sớm, kết hợp xử lý chế phẩm sinh học (Trichoderma, AT-YTB...) để phân hủy nhanh rơm rạ, hạn chế ngộ độc hữu cơ với lúa vụ sau, đồng thời hạn chế cầu nối sâu bệnh cho vụ sau.

Hiện tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, lúa đang giai đoạn phân hóa đòng, một số diện tích lúa gieo cấy sớm đã trỗ.

Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương vùng này giữ nước mặt ruộng đảm bảo đủ nước cho cây lúa trong giai đoạn làm đòng, trỗ bông, vào chắc nhằm hạn chế tác động của nắng nóng.

Với diện tích lúa chuẩn bị phân hóa đòng (ở một số vùng núi phía Bắc), nông dân bón đón đòng kịp thời; bón bổ sung Kaliclorua và cân đối NPK để lúa sinh trưởng phát triển tốt, quần thể đồng đều, trỗ tập trung.

Theo ông Nguyễn Như Cường, các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và sâu, bệnh hại để chủ động phòng trừ sớm như: bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá, rầy nâu,.. trên tất cả các trà lúa, chú ý những giống nhiễm sâu bệnh, vùng dịch, chân đất trũng thấp.

Qua kiểm tra tình hình dịch hại ở một số địa phương ở Đồng bằng sông Hồng mới đây, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, lưu ý các địa phương cần đặc biệt chú ý đối với bệnh đạo ôn cổ bông. Địa phương chủ động theo dõi, bám sát các thông báo về tình hình thời tiết, tiếp tục lên kế hoạch phun thuốc phòng trừ cho các trà lúa vào dịp cuối tháng Tư cho đến đầu tháng Năm.

Ngoài ra, các địa phương cần lưu ý đối với sâu cuốn lá lứa 2 đang phát triển mạnh, mật độ khá cao ở các địa phương Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình...; đồng thời đẩy mạnh phòng trừ sâu cuốn lá, rầy, khô vằn.

Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo các tỉnh thành chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án gieo cấy lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa và vụ Đông 2023, theo định hướng: mở rộng diện tích các giống lúa cực ngắn và ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Mở rộng hợp lý tỷ lệ diện tích trà Mùa sớm và cực sớm, hạn chế gieo cấy giống nhiễm và nhạy cảm với bệnh bạc lá trên chân đất thấp trũng, vùng thường xuyên bị bạc lá.

Cụ thể, tại khu vực Bắc Trung Bộ, phương án sản xuất vụ Hè Thu và vụ Mùa phù hợp với điều kiện cụ thể địa phương mình, đảm bảo kế hoạch, thời vụ thu hoạch: trà lúa Hè Thu chạy lụt sớm thu hoạch trước ngày 5/9, đối với vùng thấp trũng thu hoạch trước 20/8.

Các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất vụ Mùa phù hợp với điều kiện cụ thể địa phương mình, đảm bảo kế hoạch, thời vụ thu hoạch: trà lúa Mùa sớm ở các tỉnh thu hoạch trước ngày 25/9 để tạo quỹ đất làm cây vụ Đông ưa ấm.

Nông dân hạn chế việc gieo thẳng ở những vùng thấp trũng, không chủ động tưới tiêu, thường xuyên bị ngập úng./.

Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)