“Hải trình” đưa thủy sản Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ ra “hải trình” hướng đến mục tiêu mà ngành thủy sản và lực lượng kiểm ngư phải thực hiện là minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập.
Tại Lễ Kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành Thủy sản (01/4/1959-01/4/2024) và 10 năm ngày ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam (15/4/2014 - 15/4/2024) được tổ chức vào ngày 29/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh thủy sản Việt Nam bền vững trong phát triển, hiện đại trong sản xuất, tăng tốc trong xuất khẩu, nâng tầm trong hội nhập.
Lực lượng kiểm ngư Việt Nam luôn đồng hành với ngư dân; hướng tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì ngành thủy sản xanh, bền vững.
Ghi nhớ lời gửi gắm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết 65 năm qua, ngành thủy sản vững bước phát triển nhanh, toàn diện và ổn định, trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng của đất nước, đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc.
Để phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, hội nhập trên cơ sở bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đảm bảo thực thi pháp luật về thủy sản trên các vùng biển, lực lượng kiểm ngư Việt Nam hoạt động tích cực hỗ trợ ngư dân trên biển, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Qua những thành tựu đạt được, ngành thủy sản cùng với lực lượng kiểm ngư tự tin tiếp tục hướng tới những mục tiêu lớn hơn, dài hạn hơn, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chỉ ra “hải trình” hướng đến mục tiêu mà ngành thủy sản và lực lượng kiểm ngư phải thực hiện là thủy sản “minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập;” là ba trụ cột trong chiến lược kinh tế thủy sản “giảm khai thác-tăng nuôi trồng-bảo tồn biển”; là “Chiến lược Tam Ngư”, cấu trúc lại ngành thủy sản dựa trên: ngư nghiệp-ngư dân-ngư trường; là phát huy sức mạnh của thiết chế “Cộng đồng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản”; là cùng nhau hành động để tháo gỡ “thẻ vàng” chống khai thác IUU trong thời gian sớm nhất.
Nhìn lại 65 năm qua, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết ngành thủy sản đã có những bước phát triển và hội nhập. Đặc biệt giai đoạn từ năm 1995 đến nay, thủy sản phát triển một cách mạnh mẽ toàn diện.
Sản xuất kinh doanh thủy sản chuyển biến vượt bậc theo hướng nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nghề cá cả nước, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Ngành thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên gần 57% năm 2023.
Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường, đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
Trong quá trình xây dựng và phát triển thủy sản đến nay, rất nhiều phần thưởng cao quý đã được Đảng, Nhà nước trao tặng cho ngành như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Nhất (2019), phong tặng và truy tặng cho nhiều tập thể và cá nhân danh hiệu Anh hùng Lao động.
Từ truyền thống cao quý và đáng tự hào, cùng với nỗ lực của các thế hệ đội ngũ cán bộ, công nhân viên của ngành, thủy sản Việt Nam đã xây dựng được một nền tảng căn cơ và bài bản để hướng đến những mục đích to lớn hơn, góp phần làm điểm tựa cho sự phát triển của cả đất nước, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Cùng với quá trình hình thành, lớn mạnh, những đóng góp to lớn cho Đất nước của ngành thủy sản, luôn có sự đồng hành của lực lượng kiểm ngư. Qua quá trình hoạt động, lực lượng kiểm ngư đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, lực lượng đã tích cực tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.
Kiểm ngư tham gia phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền Quốc gia trên các vùng biển; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về thủy sản; hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về thủy sản.
Kiểm ngư Việt Nam luôn hỗ trợ đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế biển, thực thi pháp luật và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU vì một ngành thủy sản xanh, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Kiểm ngư Việt Nam hướng tới chính quy tinh nhuệ hiện đại giữ vững an ninh trật tự nghề cá trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ông Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh./.