Hải Phòng: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng thu hút đầu tư
Hải Phòng chú trọng đào tạo, nâng cao phát triển nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng cao, nhất là cho công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ cảng biển, logistics để tăng thu hút đầu tư.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là không thể đảo ngược.
Chất lượng nguồn nhân lực sẽ là chìa khóa quyết định thành bại trong cạnh tranh thu hút đầu tư tại các địa phương cũng như thành phố Hải Phòng.
Mở rộng hợp tác
Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu: Đến năm 2025, Hải Phòng có từ 2 trường liên cấp quốc tế và 1 trường đại học quốc tế trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87-88%, trong đó đào tạo có chứng chỉ 40%.
Tuyển sinh đào tạo 10.000 học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng.
Đến năm 2030, Hải Phòng có từ 3 trường liên cấp quốc tế và 2 trường đại học quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó đào tạo có chứng chỉ 45%. Tuyển sinh đào tạo 12.000 học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng.
Hải Phòng cũng tập trung xây dựng chủ trương, chính sách của thành phố về phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư của thành phố, với mục tiêu đến năm 2025 trở thành trung tâm giáo dục đại học của vùng Duyên hải Bắc Bộ; đến năm 2030 trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo.
Cùng đó, Hải Phòng chú trọng đào tạo, nâng cao phát triển nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng cao, nhất là cho công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ cảng biển, logistics; đồng thời, phát triển được đội ngũ kỹ sư, các nhà quản trị có khả năng ứng dụng công nghệ và phát triển các dịch vụ hiện đại như ngân hàng, tài chính, logistics, bảo hiểm, công nghệ thông tin, phân phối bán lẻ, tư vấn, dịch vụ phát triển kinh doanh.
Thành phố tăng cường mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế về đào tạo nhân lực có tay nghề cao, nhân lực khoa học và công nghệ biển; thực hiện đặt hàng đào tạo nhân lực trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế-kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cấp độ quốc gia, quốc tế.
Vào cuối tháng 4 vừa qua, trong khuôn khổ chương trình thăm, làm việc tại Hàn Quốc, thành phố Hải Phòng cũng đã phối hợp với Tập đoàn LG tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp của LG. Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đánh giá cao việc Tập đoàn LG lựa chọn đầu tư tại Hải Phòng và xây dựng hệ sinh thái sản xuất của Tập đoàn LG trong 10 năm qua.
Tập đoàn LG cùng các đơn vị phụ trợ đóng góp quan trọng cho phát triển của Hải Phòng nói riêng và của Việt Nam nói chung. Thành công của Tập đoàn LG tại Hải Phòng là minh chứng rõ nét cho thấy, môi trường đầu tư của thành phố luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu đề nghị Tập đoàn LG tiếp tục quan tâm hơn nữa việc triển khai nghiên cứu, đầu tư, xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển R&D, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ tại thành phố; quan tâm, hỗ trợ thành phố triển khai nhiều dự án xây dựng ký túc xá, nhà ở xã hội cho người lao động.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, cao đẳng của thành phố trong đào tạo nguồn nhân lực...
Cần một cú hích
Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu cho rằng, sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi địa phương suy cho cùng nằm ở hai yếu tố cơ bản là nguồn nhân lực và thể chế...
Tuy vậy, khi đánh giá lại tổng thể chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục bậc cao, kể cả nghiên cứu khoa học tại thành phố còn nhiều hạn chế.
Theo Phó Giáo sư, tiến sỹ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển.
Phó Giáo sư, tiến sỹ Phạm Xuân Dương đề xuất thành phố tăng cường các chính sách đặc thù, chế độ đãi ngộ, tôn vinh, trọng dụng thu hút đội ngũ, trí thức khoa học công nghệ, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và nước ngoài làm việc tại Hải Phòng, nhất là chính sách tuyển dụng, chế độ tiền lương, tạo môi trường làm việc, ổn định đời sống, tập trung vào các nhà khoa học giỏi, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng, có uy tín, có nhiều thành tựu khoa học trong các lĩnh vực chuyên sâu, như hỗ trợ ổn định nhà ở cho tất cả các trí thức có nhu cầu, xây dựng khung tiêu chuẩn thuê nhà ở trong quỹ nhà của thành phố với điều kiện và giá thuê ưu đãi hoặc miễn tiền thuê nhà.
Bên cạnh đó, thành phố cần đưa ra dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế của thành phố nói chung và kinh tế biển nói riêng; xác định cơ cấu việc làm, từ đó có cơ chế chính sách mới, đặc thù và phù hợp hơn để phát triển đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong tình hình mới.
Thành phố tiếp tục đầu tư và tạo đột phát trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ; có chính sách hỗ trợ đào tạo trong nước và đào tạo ở nước ngoài với các ngành, lĩnh vực khoa học đặc thù, chuyên sâu, đặc biệt là các chính sách, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ cho thành phố và các nhà khoa học, trí thức của thành phố sẽ trực tiếp tiếp nhận; cho phép và hỗ trợ các nhà khoa học làm các thực nghiệm công nghệ theo điều kiện ứng dụng của địa phương; gắn kết các hoạt động đào tạo đội ngũ trí thức với các hoạt động chuyên môn, thực tập chuyên môn và chuyển giao công nghệ tại các doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố LG, Pegatron, Bridgstones, Chevron, General Electric.
Bên cạnh đó, thành phố xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và các trường, viện nghiên cứu tham gia sâu rộng hơn nữa trong kế hoạch nghiên cứu của thành phố; khuyến khích và có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước ký kết trực tiếp với các nhà khoa học, các trường, viện trong các hợp đồng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nội địa hóa công nghệ để cạnh tranh với nước ngoài.
Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Quân, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển - Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho rằng Hải Phòng cần xây dựng chương trình nghiên cứu dài hạn, tập trung đầu tư các vấn đề thành phố cần giải quyết rốt ráo để phát triển kinh tế, xã hội, đặt hàng các viện nghiên cứu, nhà khoa học triển khai thực hiện, áp dụng nguyên tắc chấp nhận đầu tư rủi ro với những lĩnh vực nghiên cứu tiên phong, mới và có mức độ phức tạp cao.
Trong những năm gần đây, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hải Phòng luôn nằm trong các địa phương đứng đầu cả nước về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và vốn thực hiện đạt tỷ lệ cao với gần 80% vốn đăng ký. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 954 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký 30,1 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ./.