Hải Dương chủ động thị trường cho mùa vải thiều Thanh Hà 2023

Hải Dương hiện đã có 21 mã số cơ sở đóng gói vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Newzeland, Nhật Bản và Thái Lan, tỉnh cũng xác định tập trung tiêu thụ cả ở thị trường nội địa.

Ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ sản xuất vải của huyện Thanh Hà. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) dự kiến sẽ bắt đầu cho thu hoạch từ nửa cuối tháng Năm tới.

Để sẵn sàng các phương án tiêu thụ vải thiều và nâng cao các giá trị của sản phẩm vải thiều năm nay, ngày 26/4, Sở Công Thương Hải Dương và Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà đã tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023, trong đó có lễ ký kết hợp tác tiêu thụ vải năm 2023 giữa các hợp tác xã, hộ sản xuất và doanh nghiệp.

Hiện, Thanh Hà có 3.265ha vải; trong đó 1.700ha vải sớm. Chất lượng vải thiều không ngừng được nâng cao. Toàn huyện có khoảng 500ha vải đã được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó có 400ha VietGAP và 50ha GlobalGAP còn hiệu lực. Năm 2023, dự kiến tiếp tục sản xuất và chứng nhận đạt chuẩn GAP khoảng 200ha.

Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho cây vải sinh trưởng nên tỷ lệ vải ra hoa, đậu quả cao, đạt trên 95%. Vải u trứng đang quả non đến bắt đầu làm cùi. Vải u hồng, u thâm, tàu lai và vải thiều chính vụ đang ra quả non.

Sản lượng vải Thanh Hà năm nay ước tính khoảng 40.000 tấn. Vải u trứng trắng cho thu hoạch sớm nhất, khoảng nửa cuối tháng Năm. Vải thiều chính vụ sẽ cho thu hoạch từ giữa tháng Sáu.

Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc vẫn là thị trường lớn của quả vải Việt Nam.

Năm nay, việc xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc có nhiều thách thức do thị trường này có những yêu cầu mới với nông sản nhập khẩu. Trung Quốc là thị trường tiêu chuẩn cao, khắt khe nên các địa phương cần làm tốt hơn nữa việc tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng.

Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch huyện Thanh Hà cho biết từ nay đến khi thu hoạch, địa phương tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo các hộ dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc; phân công cán bộ chuyên môn giám sát vùng sản xuất; giám sát việc ghi nhật ký vườn cây…

Huyện cũng kiểm tra điều kiện phục vụ du khách tham quan du lịch tại vùng vải thiều và tiểu khu du lịch sinh thái.

Để xuất khẩu thuận lợi, bà Lương Thị Kiểm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp đơn vị liên quan cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 199 mã số vùng trồng vải được cấp với tổng diện tích 1.119ha. Sở cũng đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp 5 mã số vùng trồng vải sang thị trường Trung Quốc.

Toàn tỉnh đã có 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Newzeland, Nhật Bản và Thái Lan.

Hiện Sở đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mới 3 mã số cơ sở đóng gói vải xuất khẩu sang Trung Quốc với công suất 500 tấn/ngày. Riêng Thanh Hà có 45 vùng sản xuất vải đã được cấp 168 mã số vùng trồng xuất khẩu.

Huyện này đang hoàn thiện các quy định để duy trì 11 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp và đăng ký cấp mới 3 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Vũ Việt Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà phát biểu đề nghị các cơ quan chức năng và doanh nghiệp hỗ trợ xúc tiến, tiêu thụ vải. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Theo bà Kiểm, mỗi thị trường xuất khẩu có một tiêu chí riêng nên ngành nông nghiệp cần khuyến cáo người trồng trong quá trình chăm sóc vải thiều.

Bên cạnh giám sát, tập huấn trực tiếp cho người trồng vải, Hải Dương tổ chức ký cam kết với hệ thống các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn cho đội ngũ này để biến đây là "cánh tay nối dài," giúp cơ quan chuyên môn tư vấn cho người trồng sử dụng đúng và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh cho vải thiều.

Đa dạng hóa thị trường song song với giữ vững thị trường trong nước là phương châm của Hải Dương trong chiến lược tiêu thụ vải năm nay, ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết, ngay từ đầu mùa vải, ngành công thương đã sớm triển khai xúc tiến thương mại.

Đề phòng dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp nên tỉnh duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, xác định tập trung thị trường nội địa.

Ngành công thương đã kết nối với các tỉnh thành phố, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá chất lượng, sản lượng vải Hải Dương và thông qua hội nghị quốc tế để giới thiệu quả vải Thanh Hà tới thị trường mới.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam đề xuất các giải pháp để xuất khẩu quả vải đi các thị trường khó tính. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Để chủ động đầu ra cho quả vải năm nay, huyện Thanh Hà cũng đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại tại nhiều tỉnh thành phố, tập trung phối hợp với trung tâm, siêu thị lớn tại các thành phố tập trung dân cư, khu công nghiệp; tổ chức Tuần lễ Vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội; lập đoàn xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều tại một số địa phương, cửa khẩu...

Ông Vũ Việt Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà cho biết năm nay, dự báo thời điểm thu hoạch vải sớm của Thanh Hà gần với vải thiều Bắc Giang nên lợi thế vải sớm sẽ không được như những niên vụ trước.

Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn giám sát các vùng trồng, duy trì việc cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ các địa phương phát huy du lịch sinh thái trải nghiệm.

Bên cạnh đó, huyện sẽ dạng hóa các hình thức truyền thông. Để đảm bảo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, thương nhân về thu mua, huyện nâng cấp hệ thống đường giao thông, bố trí bãi đỗ xe rộng, điểm tập kết thu mua vải.

Các doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều cho biết đến thời điểm này, khoảng 85% công việc đã được hoàn tất, chuẩn bị cho một vụ vải thiều thắng lợi.

Theo ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, doanh nghiệp luôn chú trọng giá trị về mặt văn hóa của quả vải thiều Thanh Hà trong quá trình xúc tiến thương mại, giới thiệu đến người tiêu dùng quốc tế.

Mặc dù có thành công nhưng mỗi mùa thu hoạch vải, doanh nghiệp không tránh khỏi lo lắng. Là cầu nối giữa sản phẩm trong nước và thị trường nước ngoài, doanh nghiệp mong muốn người trồng tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ổn định, đảm bảo các tiêu chí của thị trường xuất khẩu cao cấp để thông qua quả vải nâng cao thương hiệu của nông sản Việt Nam.

Năm nay, chuẩn bị cho việc xuất khẩu vải sang thị trường cao cấp, doanh nghiệp này đã đầu tư thêm dây chuyền công nghệ sơ chế, đóng gói.

Bên cạnh những đối tác tiêu thụ ở niên vụ trước tiếp tục đặt hàng số lượng lớn, doanh nghiệp cũng kỳ vọng niên vụ vải năm nay sẽ mở rộng được thị trường mới, gia tăng sản lượng xuất khẩu./.

Mạnh Minh (TTXVN/Vietnam+)