Hà Tĩnh: Vướng mắc trong thực hiện Dự án nâng cấp Đường tỉnh ĐT.553
Sau hơn 1 năm triển khai, Dự án Cải tạo, Nâng cấp Đường tỉnh ĐT.553 đi qua huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa thể hoàn thành công tác bồi thường để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.
Dự án Cải tạo, Nâng cấp Đường tỉnh ĐT.553 đi qua địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được triển khai từ năm 2022 nhưng đến nay, việc thi công đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa thể hoàn thành việc giải phóng mặt bằng.
Khó khăn trong giải phóng mặt bằng
Dự án Cải tạo, Nâng cấp Đường tỉnh ĐT.553 nhằm phục vụ nhu cầu dân sinh trong vùng phía Tây Nam huyện miền núi Hương Khê, phát triển kinh tế-xã hội, công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng và từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông dự án nói chung và hoàn thiện đường tỉnh ĐT.553 theo quy hoạch được duyệt.
Đường tỉnh ĐT.553 được nâng cấp, cải tạo có chiều dài khoảng 8,8km, điểm đầu tại km 39+030 thuộc xã Lộc Yên, huyện Hương Khê; điểm cuối giao đường Hồ Chí Minh tại km 832+250, thuộc xã Hương Trà, huyện Hương Khê.
Dự án do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư là 266 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt băng gần 30 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 220 tỷ đồng.
Trước khi dự án này được triển khai thì tuyến đường tỉnh 553 đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, tuyến đường này thường xuyên bị ngập khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Do đó, sau khi có kế hoạch đầu tư, thi công, người dân tại hai xã Hương Trà và Lộc Yên rất phấn khởi.
Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng sau hơn 1 năm triển khai, Dự án vẫn chưa thể hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.
Là một trong những hộ dân chưa đồng ý nhận tiền hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, ông Hồ Viết Bằng ở thôn Tân Lập, xã Lộc Yên cho rằng nguyên nhân là do mức giá đền bù quá thấp.
“Gia đình tôi có hơn 450m2 đất trồng cây lâu năm nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng, theo mức giá của chính quyền thì sẽ được bồi thường khoảng 60 triệu đồng. Trong khi đó, với diện tích này, nếu theo giá thị trường sẽ bán được từ 70 đến 80 triệu đồng. Do đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng xem xét mức giá đền bù thỏa đáng hơn," ông Bằng cho hay.
Trong 8,8km của Dự án thì có 8km đi qua địa phận xã Lộc Yên. Do đó, phần lớn các hộ dân chưa đồng thuận với chủ trương giải phóng mặt bằng đều ở địa phương này.
[Bộ Giao thông Vận tải khởi công nhiều dự án mới, tăng giải ngân vốn]
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lộc Yên Nguyễn Văn Hưng, liên quan đến tuyến đường tỉnh lộ 553, xã phải giải tỏa trên 630 thửa đất của 600 hộ dân. Đến nay, chính quyền địa phương đã phối hợp với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện triển khai thực hiện các quy trình liên quan.
“Qua quá trình rà soát, kiểm đếm để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đến nay còn khoảng 40 hộ dân chưa đồng tình với nhiều lý do khác nhau. Xác định đây là tuyến đường huyết mạch của xã nên chúng tôi hết sức quan tâm, phối hợp tuyên truyền, vận động các hộ gia đình đồng thuận để sớm bàn giao mặt bằng, đảm bảo thi công kịp thời," ông Nguyễn Văn Hưng thông tin thêm.
Thực hiện dự án này, có trên 720 hộ dân ở huyện Hương Khê chịu ảnh hưởng, phải giải phóng mặt bằng. Thời gian qua, công tác bồi thường, hỗ trợ đã Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được huyện Hương Khê thực hiện theo các quy định, chính sách của Nhà nước. Đến nay, địa phương đã bàn giao gần 5km mặt bằng cho chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Hương Khê cho biết công tác giải phóng mặt bằng chưa thể hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư dự án theo đúng kế hoạch ban đầu.
Nguyên nhân là do một số hộ dân là chưa đồng tình với công tác giải phóng mặt bằng. Thời gian tới, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện sẽ phối hợp với các xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt công tác giải phóng mặt bằng, từ đó, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tháo gỡ khó khăn để đảm bảo tiến độ
Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Hà Tĩnh, sau 14 tháng triển khai, khối lượng thi công đạt 36%, trong đó có 4/4 cây cầu, 19/32 cống ngang. Tổng số vốn đã giải ngân là hơn 153 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch vốn được giao.
Bên cạnh việc chậm giải phóng mặt bằng thì việc triển khai dự án này vẫn còn một số tồn tại khó khăn khác. Hiện nay, tại một số vị trí, do hệ thống đường điện 22 kV chưa được di dời nên vướng chiều cao an toàn. Do đó, nhà thầu chưa thể thi công tiếp các hạng mục khác.
Ngoài ra, theo dự toán ban đầu, kinh phí giải phóng mặt bằng là khoảng 30 tỷ đồng nhưng đến nay, theo tính toán của huyện Hương Khê là 80 tỷ đồng. Vì vậy, chủ đầu tư dự án phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và dự án đầu tư thì mới có kinh phí để chi trả.
Ông Sử Văn Hoài, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho biết trong thời gian tới, các đơn vị thi công tiếp tục triển khai hạng mục ốp mái taluy nền đường, hoàn thiện đắp đất để thi công móng trong phạm vi bàn giao mặt bằng nhằm đảm bảo an toàn đi lại cho nhân dân.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý phối hợp với Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyên truyền, vận động các hộ bị ảnh hưởng, giải quyết khó khăn, vướng mắc để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, đồng thời, sớm di dời hệ thống đường điện 22 kV để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện.
Về các thủ tục đầu tư, Ban Quản lý phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan tham mưu Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh phương án điều chỉnh chủ trương đầu tư và dự án đầu tư; điều chỉnh thời gian thực hiện để phấn đấu hoàn thành dự án vào cuối năm 2024./.