Hà Nội ưu tiên thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương của Lào
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, thời gian tới, HĐND thành phố nói riêng và Hà Nội nói chung tiếp tục ưu tiên thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương, cơ quan, đơn vị của Lào.
Chiều 5/1, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tiếp và làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chaleun Yiapaoher.
Bày tỏ vui mừng và cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chân tình, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chaleun Yiapaoher cho biết chuyến thăm nhằm trao đổi, chia sẻ, lĩnh hội kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu lập pháp, sửa đổi Hiến pháp và hệ thống pháp luật, tổng hợp thông tin, phục vụ việc xây dựng, biên soạn tài liệu về lịch sử 50 năm trưởng thành, phát triển của Quốc hội Lào cũng như kinh nghiệm tổ chức, hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp. Những chia sẻ của phía Thủ đô Hà Nội là kiến thức, kinh nghiệm quý báu để phía Lào tiếp thu, nghiên cứu, triển khai hiệu quả vào thực tế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng thời gian qua, mối quan hệ hợp tác giữa hai Thủ đô nói riêng và giữa Hà Nội với các địa phương của Lào nói chung không ngừng được thắt chặt, phát triển toàn diện trên tất cả các kênh, với nhiều dự án hiệu quả.
Thủ đô Hà Nội luôn mong muốn cùng Đảng, Nhà nước Lào, Thủ đô Vientiane cũng như các địa phương, đối tác của Lào tiếp tục phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong xây dựng, phát triển trên nhiều lĩnh vực, với nhiều hoạt động rất ý nghĩa.
Thời gian tới, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung tiếp tục ưu tiên thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương, cơ quan, đơn vị của Lào trên tinh thần phát huy, làm sâu sắc hơn những kết quả hợp tác đã đạt được và mở rộng nội dung, hình thức hợp tác mới, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, phù hợp năng lực của mỗi bên. Thông qua quan hệ hữu nghị, hợp tác không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho hai bên mà còn tiếp tục đóng góp vào việc củng cố, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào.
Trao đổi kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Hội đồng Nhân dân thành phố có vị trí, chức năng đặc biệt quan trọng, “là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đến nay trải qua 16 nhiệm kỳ, gắn với các giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô. Tổ chức, bộ máy và hoạt động của Hội đồng Nhân dân thành phố không ngừng được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng.
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 95 đại biểu, được chia thành 30 tổ đại biểu tại 30 quận, huyện, thị xã. Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách là 19 đại biểu, bằng 20% tổng số đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố. Trong đó, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố gồm có: Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và 4 Trưởng ban của Hội đồng Nhân dân. Hội đồng Nhân dân thành phố thành lập 4 Ban gồm: Kinh tế-Ngân sách, Văn hóa-Xã hội, Pháp chế và Đô thị.
Những năm qua, với phương châm "Đổi mới-Sâu sát-Khoa học-Hiệu quả,” Hội đồng Nhân dân thành phố luôn hoàn thành các trọng trách với nhiều dấu ấn quan trọng, được cử tri, nhân dân Thủ đô ghi nhận, được Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao, là “điểm sáng,” “hình mẫu,” “tiêu biểu” trong hoạt động của Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố được tổ chức với nhiều đổi mới theo hướng khoa học, hiệu quả, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng của thành phố.
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chaleun Yiapaoher có chuyến đi thực tế, thăm và làm việc tại xã Vân Côn, huyện Hoài Đức./.