Hà Nội trong mùa Vu Lan: Bày tỏ tấm lòng đối với bậc sinh thành
Trong tiết trời dịu mát, nhẹ nhàng của mùa Thu, nhiều ngôi chùa trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức lễ Vu Lan để hướng người dân và phật tử sống hướng thiện, coi trọng đạo hiếu.
Hà Nội, mùa Vu Lan lại về. Tâm thức mỗi người dân Thủ đô cùng lắng lại, hướng về công đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, hướng về tổ tiên với lòng hiếu hạnh, sự biết ơn, kính trọng. Một chút lòng thành dành cho cha mẹ, một nén nhang dâng lên tổ tiên, một chút thời gian tìm hiểu về đạo hiếu sẽ càng làm cho mùa Vu Lan Hà Nội thêm ấm áp.
Tiết trời trong dịp Vu Lan năm nay mang cái dịu mát, nhẹ nhàng của mùa Thu, cũng vì thế lòng người chùng lại.
Gác lại công việc thường ngày, chị Lê Thu Ngân, trú tại phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội trở về thăm mẹ đẻ ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm. Món quà mang theo là tấm áo mới và hộp sâm cùng sự thành kính dành cho mẹ.
Bố mất sớm, mẹ chị tần tảo nuôi 4 người con học hành, dựng vợ gả chồng và đến nay, khi các con yên bề gia thất thì mái tóc mẹ chị đã bạc nửa đầu, sức khỏe suy giảm, đi lại khó khăn.
Mẹ chị thấy con cháu về thì vui vẻ và bày tỏ sự xúc động khi được quan tâm đúng vào dịp lễ Vu Lan. Chị dâng đĩa hoa thơm cùng chút hoa quả lên tổ tiên cùng lời nguyện cầu gia tiên phù hộ cho mọi người trong gia đình khỏe mạnh, bình an. Mâm cơm cúng được vợ chồng anh trai đã chuẩn bị từ sớm, trước là dâng lên gia tiên, sau là hạ lễ để con cháu cùng thụ lộc. Mọi người quây quần, trò chuyện trong sự ấm áp, vui vẻ, cùng hướng tới những điều tốt đẹp nhất.
Lễ Vu Lan xuất phát từ tích tôn giả Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Chính vì thế, Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung.
Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền cho biết ý nghĩa của lễ Vu Lan rất đẹp và được đề cao trong thời buổi hiện nay. Lễ Vu Lan hiện nay cũng là dịp để mọi người bày tỏ tình cảm với cha mẹ, tổ tiên sau thời gian bận rộn, không có nhiều điều kiện quan tâm.
Trong dịp này, nhiều chùa trên địa bàn Hà Nội tổ chức lễ Vu Lan để hướng người dân và phật tử sống hướng thiện, coi trọng đạo hiếu.
Tại chùa Bằng, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Đại lễ Vu Lan-Báo hiếu Phật lịch 2567 được tổ chức trang trọng với sự tham dự của hơn 2.000 phật tử gần xa. Sau những nghi thức quan trọng, các thanh, thiếu niên đã thực hiện nghi thức cài hoa hồng lên áo.
[Infographics] Lễ Vu Lan báo hiếu trong tâm thức người Việt
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã nhắc lại tấm gương hiếu hạnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tôn giả Mục Kiền Liên, đồng thời giải thích ý nghĩa của nghi thức dâng trà - nét đặc trưng của văn hóa Phật giáo phía Bắc.
Hòa thượng cũng nhắc nhở phật tử trong tháng Vu Lan cần làm các việc thiện lành để hồi hướng công đức đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Với những ai còn cha mẹ trên đời, Hòa thượng nhắn nhủ cần phải biết trân quý, chăm sóc và phụng dưỡng họ bởi "cha mẹ ở đời như Phật tại thế."
Tại Hạ trường chùa Vạn Phúc, thôn Đoài, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, chư tăng ni đã tổ chức Đại lễ Vu Lan-Báo hiếu Phật lịch 2567 và cầu siêu Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh với sự tham dự của đông đảo nhân dân, phật tử thập phương.
Sau lễ dâng hoa và dâng phẩm vật thể hiện tấm lòng hiếu kính, tri ân của phật tử là nghi thức cài hoa hồng, nhắc nhở mỗi người nhớ về ân đức sinh thành, dưỡng dục của hai đấng song thân.
Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ đã chia sẻ về nguồn gốc của lễ Vu Lan báo hiếu, qua đó mong muốn những người con yêu thương chăm sóc cha mẹ, tích cực làm những việc lành. Đó chính là cách báo hiếu thiết thực và ý nghĩa nhất. Cuối buổi lễ, mọi người đã thắp hương cầu siêu cho anh linh các Anh hùng liệt sỹ, tổ tiên quá vãng.
Mang ý nghĩa nhân văn lớn, cảm nhận những giá trị sâu sắc, ngày lễ Vu Lan trở thành ngày báo hiếu của người dân Việt Nam. Ngày này đều nhắc nhở chúng ta phải luôn nhớ đến công ơn của cha mẹ, tổ tiên, rộng hơn là cội nguồn dân tộc, làm những việc hiếu nghĩa để tỏ lòng biết ơn, tình cảm chân thành đến các bậc sinh thành, dưỡng dục chúng ta, những người mang lại cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay.
Lòng biết ơn, đạo lý làm con, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" cần được bồi đắp, lan tỏa. Đó cũng là truyền thống, là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam./.