Hà Nội tiếp tục nhân rộng mạng lưới máy bán hàng tự động
Nhân rộng mạng lưới máy bán hàng tự động là một giải pháp của thành phố Hà Nội nhằm hiện đại hóa lĩnh vực thương mại và phát triển du lịch.
Sau một thời gian lắp thử nghiệm máy bán hàng tự động trên một vài tuyến phố của Thủ đô, người dân đã ghi nhận sự tiện lợi, nhất là phục vụ nhu cầu của khách du lịch 24/24h, giúp khách hàng được trải nghiệm tiêu dùng văn minh, hiện đại…
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhân rộng mạng lưới máy bán hàng tự động là một giải pháp của thành phố Hà Nội nhằm hiện đại hóa lĩnh vực thương mại và phát triển du lịch. Do vậy, thành phố Hà Nội đang tiếp tục mở rộng thêm tại các địa điểm công cộng để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
Hưởng ứng chủ trương này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, nâng cấp thêm chức năng hiện đại cho máy bán hàng tự động như: màn hình cảm ứng, sử dụng cảm biến rơi để nhận biết sản phẩm đã được đưa xuống khoang trả hàng; có hệ thống quản lý bán hàng, tích hợp hóa đơn khi khách mua hàng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng triển khai phương án thanh toán mới qua điện thoại di động như QRPay, Zalopay, Momo…
Bà Phạm Kim Dung, ở phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm cho biết, rất tiện lợi khi có thể mua đồ uống bất kể lúc nào mình muốn với giá cả được niêm yết rõ ràng; các mặt hàng bày bán bố trí, sắp xếp đẹp mắt, dễ thấy nên người mua rất yên tâm.
Tuy nhiên, các máy bán này cần được đơn vị lắp đặt "thăm khám" thường xuyên để tránh "kẹt hàng," "nuốt tiền" gây khó chịu cho người tiêu dùng.
Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thuận, ở Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm chia sẻ, bà hay ra hồ Hoàn Kiếm tập thể dục và những lúc nghỉ ngơi, khát nước mới thấy giá trị của hệ thống này, tiện lợi cho người dân và khách tham quan.
Giá đồ uống được niêm yết rõ ràng chỉ từ 5.000 đến 10.000 đồng/chai, đảm bảo hợp vệ sinh nên cần phát triển thêm ở nhiều nơi.
[Điểm mặt 4 nền tảng bán hàng có thể đi đầu năm 2022]
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại VVM - một trong những doanh nghiệp lắp đặt máy bán hàng tự động cho biết, doanh thu trung bình 1 tháng của mỗi máy bán hàng tự động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm là từ 12 đến 17,5 triệu đồng.
Còn theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Máy bán hàng tự động Minh Lâm, các máy đặt tại một số điểm công cộng trên địa bàn quận Ba Đình, Tây Hồ đạt doanh thu từ 5 đến 12 triệu đồng.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, Hà Nội hiện có 717 máy bán hàng tự động được lắp đặt tại nhiều địa điểm công cộng; trong đó có 13 máy được lắp đặt tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và các quận Ba Đình, Tây Hồ; 4 máy được lắp đặt tại Phố sách Hà Nội và không gian bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm).
Số máy bán hàng tự động còn lại được doanh nghiệp chủ động lắp đặt tại tòa nhà văn phòng, chung cư, bến xe, trung tâm thương mại… Mặt hàng bày bán chủ yếu gồm bánh kẹo, đồ uống có nguồn gốc rõ ràng, giá cả được niêm yết công khai...
Mới đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai lắp đặt máy bán hàng tự động tại các địa điểm công cộng đến năm 2025.
Thành phố giao Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với ngành chức năng rà soát, khảo sát, tổng hợp danh sách địa điểm công cộng phù hợp với việc lắp đặt như công viên, vườn hoa, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại...
Sau khi lắp đặt máy, thành phố sẽ tích hợp mạng lưới địa điểm này vào website bản đồ mua sắm (www.bandomuasam.hanoi.gov.vn) và hệ thống phần mềm chỉ dẫn du lịch, bản đồ số du lịch thành phố Hà Nội.
Yêu cầu đặt ra là thiết bị bán hàng phải chấp nhận nhiều hình thức thanh toán như tiền mặt, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến... và có chức năng trả lại tiền thừa. Sản phẩm bày bán tại máy bán hàng tự động gồm cả thức ăn, đồ uống, trái cây tươi... phù hợp đặc thù địa điểm đặt máy.
Thành phố cũng khuyến khích bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Máy cũng được yêu cầu phải tiết kiệm năng lượng, khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời; có thiết bị bảo vệ cùng tính năng hỗ trợ tốt nhất cho người tiêu dùng, nhất là người già, trẻ em, người khuyết tật như có bảng giá, bảng hiển thị tên sản phẩm dễ nhìn, bằng nhiều ngôn ngữ...
"Phát triển mạng lưới máy bán hàng tự động sẽ từng bước thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời, tạo thêm sự lựa chọn hình thức mua bán thuận tiện, cung ứng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ minh bạch, bảo đảm chất lượng, trực tiếp đến người tiêu dùng," bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh./.