Hà Nội: Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với Dự án Vành đai 4
Tất cả các quận, huyện đều khẳng định và cam kết sẽ thực hiện bằng được tiến độ theo kế hoạch đề ra, bàn giao từ 70% mặt bằng trở lên trước ngày 30/6/2023, bàn giao 100% mặt bằng trong năm 2023.
Ngày 3/2, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát với các Quận ủy, Huyện ủy có đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đi qua địa bàn.
Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo, thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội dự và chỉ đạo.
Báo cáo đánh giá chung tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Lực cho biết thực hiện chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, các Quận ủy, Huyện ủy đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra cấp ủy vào cuộc kiểm tra, giám sát trách nhiệm cán bộ liên quan đến việc triển khai dự án Vành đai 4; đồng thời phân công cán bộ phụ trách địa bàn theo sát tình hình.
[Thủ tướng kiểm tra dự án xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội]
Đơn cử Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Mê Linh đã ban hành công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện, Đảng ủy các xã có Dự án đi qua báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ giải phóng mặt bằng trước ngày 25 hằng tháng để thực hiện giám sát thường xuyên.
Không chỉ chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra từ cấp ủy, Huyện ủy Hoài Đức chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy của 12 xã có đường Vành đai 4 đi qua tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên; yêu cầu Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và vận động nhân dân tham gia giám sát.
Tại Sóc Sơn, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy tham mưu Huyện ủy xây dựng Kế hoạch giám sát chuyên đề đối với 3 tổ chức Đảng và giám sát trách nhiệm đối với 5 cá nhân liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 để kịp thời phát hiện sai sót, đôn đốc trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ.
Huyện ủy phân công Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, 2 Huyện ủy viên giám sát thường xuyên việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở 2 xã khó khăn.
Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Oai ban hành Công văn số 760-CV/HU, ngày 6/1/2023 "về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên," giao các Ủy viên Ban Thường vụ, Huyện ủy viên phụ trách 6 xã kiểm tra, giám sát thường xuyên, nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo tiến độ thực hiện hàng tuần về Ban Thường vụ Huyện ủy...
Hội nghị đã nghe Bí thư 7 Quận ủy, Huyện ủy có đường Vành đai 4 đi qua báo cáo cụ thể kết quả thực hiện nhiệm vụ đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án Vành đai 4 trên địa bàn; nêu kiến nghị, đề xuất với thành phố nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan.
Tất cả các quận, huyện đều khẳng định và cam kết sẽ thực hiện bằng được tiến độ theo kế hoạch đề ra, bàn giao từ 70% mặt bằng trở lên trước ngày 30/6/2023, bàn giao 100% mặt bằng trong năm 2023. Trong đó, có một số địa phương phấn đấu hoàn thành trước thời hạn từ 1/3 tháng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng hoan nghênh và biểu dương kết quả công tác giải phóng mặt bằng, tinh thần vào cuộc trách nhiệm của 7 quận, huyện nơi Dự án Vành đai 4 đi qua.
Đặc biệt, các quận, huyện chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong nhân dân, di chuyển lượng lớn phần mộ ngay trước Tết nguyên đán.
Đến nay, 4/7 quận, huyện là Mê Linh, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thường Tín hoàn thành di dời hơn 90% số mộ liên quan.
Bí thư Thành ủy Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, các cấp ủy Đảng và Ủy ban Kiểm tra các Quận ủy, Huyện ủy đã chỉ đạo, tổ chức phân công nhiệm vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Dự án Vành đai 4 trên địa bàn.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô.
Đây là dự án trọng điểm quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương, Bộ Chính trị nêu rõ trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bí thư Thành ủy yêu cầu từng địa phương phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch, tiến độ đề ra nhưng không phải đến ngày 30/6/2023 hoàn thành tối thiểu 70% mặt bằng là chia đều cho các quận, huyện, nơi nào làm được phải làm cho xong.
Từng quận, huyện phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Trong đó, các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, làm rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, chủ trương, chính sách nhằm tạo đồng thuận trong nhân dân; vận dụng tối đa để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân; phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng tập thể, cá nhân phụ trách, kiểm điểm theo dõi tiến độ thường xuyên. Quá trình triển khai phải bài bản, chặt chẽ, công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy định pháp luật, không để xảy ra sai sót.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các Quận ủy, Huyện ủy phải vào cuộc song song, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn ngừa vi phạm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo quá trình triển khai dự án, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy các quận, huyện, phường, xã, thị trấn phải lắng nghe người dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải quyết dứt điểm tâm tư, nguyện vọng, đơn thư khiếu nại tố cáo của dân ngay tại cơ sở, không để khiếu kiện vượt cấp.
Các quận, huyện quan tâm, quản lý chặt chẽ diện tích đất 2 bên đường, xử lý nghiêm vi phạm, tuyệt đối không để xảy ra lấn chiếm, mua bán trái pháp luật...
Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra thành phố không ngừng tu dưỡng đạo đức, bản lĩnh chính trị; thường xuyên cập nhật kiến thức để trong quá trình kiểm tra, giám sát phải giải thích được cho cơ sở và tuyên truyền cho người dân, tránh áp đặt, vừa nhắc nhở, vừa động viên giúp cán bộ cơ sở tự tin, yên tâm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đối với kiến nghị, đề xuất của các quận, huyện, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành tham mưu, giải quyết.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các sở, ngành nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ Dự án Vành đai 4 cần đơn giản hóa thủ tục hành chính vì thủ tục còn dài, nhất là vấn đề xây dựng khu tái định cư. Đây là vấn đề rất hệ trọng, không thể để yêu cầu có ý kiến mà cả tháng không trả lời.
Ủy ban Nhân dân thành phố giao cho sở, ngành nào có ý kiến phải theo sát sở đó yêu cầu trả lời dứt điểm, được hay không được phải rõ. Ủy ban kiểm tra Thành ủy cũng phải theo dõi vấn đề này. Các vấn đề khác các sở, ngành cần phối hợp tốt, bảo đảm “trên dưới đồng lòng,” “dọc ngang thông suốt”./.