Hà Nội: Phê bình Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương để xảy ra hỏa hoạn
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nghiêm túc phê bình Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã để xảy ra hỏa hoạn.
Theo thông tin từ Công an thành phố Hà Nội, trong ngày 14/11, trên địa bàn thành phố xảy ra 2 vụ cháy ở mức trung bình. Ngoài ra, lực lượng chức năng Công an thành phố cũng tiếp nhận thông tin về 5 vụ cháy không phân loại cấp độ tại Ba Đình, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đông Anh, Hoài Đức.
Các vụ việc trên đều được lực lượng chức năng xử lý kịp thời, không gây hậu quả về người.
Khoảng 4 giờ 30 phút ngày 14/11, tại cửa hàng đồ gia dụng ở số 66 phố Mới, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã xảy ra cháy dữ dội. Ngay sau khi phát hiện, người dân đã hô hoán giúp nhau thoát nạn, đồng thời báo lực lượng cứu hỏa đến hỗ trợ.
Lực lượng chữa cháy tại chỗ, Công an và chính quyền xã Phương Đình cũng nhanh chóng được huy động có mặt phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ Công an huyện Đan Phượng thực hiện, xử lý đám cháy, tìm kiếm cứu nạn.
Đến khoảng 5 giờ cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Diện tích cháy được xác định khoảng 50m2. Vụ việc không gây thiệt hại về người.
Trước đó cùng ngày, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với lực lượng chức năng kịp thời dập tắt đám cháy xảy ra tại ki-ốt kinh doanh giặt là, sau đó lan sang 2 ki-ốt bán hoa quả tươi và bán quần áo, dày dép tại đường Lê Văn Hiến phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm.
Vụ hỏa hoạn trên dù không gây hậu quả về người nhưng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới 3 ki-ốt. Nhiều đồ vật bên trong như vải vóc, chăn màn quần áo, bàn ghế bị cháy, hư hỏng. Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tính đến ngày 15/10, trên địa bàn thành phố có 2.955 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, được đưa vào hoạt động trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực.
Trong đó, có 1.732 cơ sở đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương án thực hiện và cam kết lộ trình thực hiện khắc phục các nội dung không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (đạt 58,6%).
Ủy ban Nhân dân cấp huyện đã phê duyệt kế hoạch lộ trình, phương án thực hiện và cam kết lộ trình thực hiện khắc phục đối với 1.526 cơ sở (đạt 51,64%). Trong đó, 347 cơ sở hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, tiến độ việc triển khai thực hiện của các đơn vị hiện nay rất chậm, chưa bảo đảm mục tiêu, yêu cầu, lộ trình đã đề ra, quá trình triển khai thực hiện của các đơn vị vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, đối với việc đôn đốc cơ sở xây dựng kế hoạch, cam kết lộ trình thực hiện và cấp phê duyệt kế hoạch, cam kết lộ trình thực hiện của cơ sở (thời hạn hoàn thành trước ngày 15/3/2023) có 7 quận, huyện, thị xã chưa hoàn thành; 9 quận, huyện, thị xã chưa hoàn thành việc tham mưu cho Ủy ban Nhân dân cấp huyện phê duyệt kế hoạch cam kết lộ trình thực hiện của cơ sở.
Đối với việc hoàn thành chỉ tiêu ít nhất 30% cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết trên địa bàn hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, hiện nay chỉ có 2 quận, huyện đã hoàn thành chỉ tiêu; còn lại 28 quận, huyện, thị xã có tỷ lệ cơ sở khắc phục rất thấp.
Nhiều quận, huyện đến thời điểm hiện tại chưa có cơ sở nào khắc phục xong các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy.
Ủy ban Nhân dân thành phố nghiêm túc phê bình Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã để xảy ra các tồn tại, hạn chế, thiếu sót nêu trên; đề nghị chỉ đạo đơn vị khẩn trương chấn chỉnh, kiểm điểm, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có) trong việc thực hiện không nghiêm chỉ đạo của thành phố./.