Hà Nội: Nhiều lĩnh vực tăng trưởng, hơn 45.600 lao động có việc làm trong quý 1
Tình hình sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm của Hà Nội có dấu hiệu tích cực, tốc độ tăng tổng sản phẩm đạt 5,6% và phần lớn các lĩnh vực đều tăng trưởng, kéo theo nhiều lao động có việc làm.
Ngay từ đầu năm, thành phố Hà Nội quan tâm hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận được việc làm tốt, phù hợp với trình độ. Số lao động được giải quyết việc làm trong quý 1/2024 là hơn 45.600 người, đạt 27,6% kế hoạch năm, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhờ áp dụng các biện pháp tốt nên tình hình sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm của thành phố Hà Nội có dấu hiệu tích cực. Tốc độ tăng tổng sản phẩm đạt 5,6% và phần lớn các lĩnh vực đều tăng trưởng, kéo theo nhiều lao động có việc làm.
Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền là 886,9 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 13.900 lao động.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức thành công 54 phiên giao dịch việc làm với 1.715 đơn vị, doanh nghiệp tham gia và 11.500 lượt người được phỏng vấn, kết quả hơn 3.700 người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên giao dịch; có 1.100 người được giải quyết đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc; 26.900 người được tạo việc làm qua tư vấn, giới thiệu việc làm từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố.
Cũng trong 3 tháng đầu năm nay, thành phố ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 14.000 người với số tiền hỗ trợ 450,4 tỷ đồng, tư vấn giới thiệu việc làm cho 11.300 người; hỗ trợ học nghề cho 181 người với số tiền hơn 735 tỷ đồng.
Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp là đáng lo ngại nhất vì sụt giảm ở nhiều lĩnh vực.
Trong quý 1/2024, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 2,4% so với quý 1/2023; trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3,4%; khu vực ngoài nhà nước giảm 2,2%; khu vực nhà nước tăng 1,6%.
Chia theo ngành kinh tế, lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 2,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,3%; ngành khai khoáng tăng 49,7%.
Tình hình lao động việc làm luôn gắn bó mật thiết với tốc độ phát triển của các doanh nghiệp. Cục Thống kê thành phố Hà Nội đã có điều tra và nhận định về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp.
Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 1/2024 cho thấy có 16,4% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý 4/2023; 48,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 35,3% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Những tháng tiếp theo, các doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ khả quan hơn với 33,7% số doanh nghiệp nhận định xu hướng quý II/2024 sẽ tốt hơn so với quý 1; 47,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 19,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Chia theo loại hình kinh tế, có 61,9% doanh nghiệp khu vực nhà nước dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 2 sẽ ổn định và tốt hơn so với quý 1; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là 65,6% và 61,7%.
Những tháng đầu năm nay, do tình hình kinh tế vẫn khó khăn nên các doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Hà Nội đang có xu hướng giảm.
Trong tháng Ba, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 2.925 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 24.400 tỷ đồng, giảm 22%; 365 doanh nghiệp giải thể, tăng 16%; 1.087 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tương đương cùng kỳ; 700 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 16%.
Tính chung quý 1/2024, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 6.944 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 66.200 tỷ đồng, giảm 6% về số lượng doanh nghiệp và giảm 4% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 1.121 doanh nghiệp giải thể, tăng 23%; gần 12.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 25%; 3.748 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 10%.
Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn./.