Hà Nội: Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc trở về Thủ đô ngày cuối nghỉ Tết Dương lịch

Tại khu vực các bến xe, lượng khách càng về cuối giờ chiều càng đông. Trong khi tại các cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội, lượng phương tiện tăng cao và di chuyển chậm nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc.

Người dân từ nhiều tỉnh, thành vận chuyển hành lý để trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Sau ba ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch 2024, chiều 1/1, người dân từ các tỉnh, thành đã đổ về Thủ đô Hà Nội để chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên của năm mới.

Theo ghi nhận của phóng viên, vào thời điểm 16 giờ 30, rất đông xe khách từ các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình,... chở một lượng lớn "thượng đế" vào Bến xe Giáp Bát.

Đông nhất có lẽ là các tuyến xe khách của huyện, vốn ít phương tiện nên đa phần xe ken cứng người ngồi.

Bước xuống xe, em Nguyễn Thị Hải (quê Nam Trực, Nam Định), sinh viên Trường Đại học Ngoại Ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tỏ ra mệt mỏi sau hành trình trở về Thủ đô.

Ngồi bệt trên ghế nghỉ ngay gần khu vực đỗ xe, Hải cho biết sau bữa cơm trưa nay, em được bố chở bằng xe máy lên dọc tuyến đường liên xã đón xe.

"Mỗi xe khách đi qua đều chốt kín cửa và nhà xe không thèm mời chào khách lên xe như ngày thường. Phải mất tới 5 lượt vẫy xe, em mới có thể bắt được và lên xe," Hải chia sẻ.

Không chỉ gặp bất tiện trong việc bắt xe, cô sinh viên này còn phải ngồi ở hàng ghế giữa - được kê chèn bằng tấm ván gỗ dài khoảng 40cm, rộng khoảng 30cm - lọt thỏm giữa lối đi.

"Giá vé đắt hơn ngày thường khoảng 20% với lý do ngày Tết, lễ nhưng vẫn không có chỗ ngồi. Những hành khách bắt dọc đường đành phải chấp nhận, nếu không thì khó lên được xe," Hải cho biết.

Nhiều tài xế xe ôm bắt khách ngay ở khu vực cổng vào bến xe khiến khu vực này xảy ra tình trạng ùn ứ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Cách hai hàng ghế, chị Phạm Thị Ngọc Hoa (quê Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) ngồi chờ người thân ra đón.

Quyết định sau Tết Dương lịch lên thành phố Hà Nội để làm giúp việc, chị Hoa cho biết tối nay phải có mặt tại nhà chủ để nhận công việc.

"Hôm nay xe đi đông khách bởi nhiều người lên đi học, đi làm. Tôi tính ngày mai mới đi cho thưa người, nhưng chủ thuê cho biết do tối nay không có người trông trẻ nhỏ nên tôi đành phải lên từ chiều nay," chị Hoa tâm sự.

Ghi nhận tại khu vực lối vào của Bến xe Giáp Bát và Bến xe Mỹ Đình vào thời điểm 16 giờ, bình quân khoảng 3 phút là có một xe vào bến trả khách. Càng về cuối giờ chiều, lượng phương tiện mỗi lúc một đông.

Phía điểm đỗ xe buýt, nhiều người đứng chờ xe về bến để nhanh chân lên xe về nơi ở. Lượng xe buýt cũng được tăng cường thêm ở đầu bến nhằm giải tỏa lượng khách.

Ở khu vực ngoài cổng, hành khách rời xe đứng tràn xuống đường chờ người thân ra đón. Cánh tài xế xe ôm truyền thống thay nhau "chèo kéo" khách đi xe càng khiến cổng bến có những thời điểm rơi vào ùn ứ.

Lãnh đạo Bến xe Giáp Bát cho biết khách về bến bắt đầu đông từ 15 giờ đến khoảng 20 giờ tối nay. So với dịp nghỉ lễ 30/4, lượng khách trở lại Thủ đô trong dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch 2024 không đông bằng do nhiều người sử dụng xe cá nhân và thuê xe ôtô để sớm về quê từ ngày hôm trước.

Ghi nhận tình hình giao thông vào thời điểm 16 giờ 30, tại các khu vực hướng từ cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ về trung tâm thành phố, hướng từ đường Ngọc Hồi về trung tâm thành phố Hà Nội, lưu lượng phương tiện tương đối đông đúc, các xe di chuyển chậm, có thời điểm xảy ra tình trạng ùn ứ nhẹ.

Tương tự, tại khu vực đường Vành đai 3 trên cao đi về lối xuống hồ Linh Đàm, lượng phương tiện đông nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc.

Lực lượng chức năng tiến hành phân làn giao thông giúp người dân di chuyển thuận lợi. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Lực lượng chức năng được bố trí tại các điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc để nhanh chóng giải tỏa, phân làn giao thông, giúp người dân di chuyển nhanh chóng.

Vào thời điểm 17 giờ, cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đường thông thoáng, các phương tiện về Thủ đô có thể di chuyển thuận lợi./.