Hà Nội kết nối đưa nông sản miền núi đến với người tiêu dùng

Điểm nhấn tại các hội chợ là hoạt động livestream bán nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP trên các nền tảng mạng xã hội, từ đó, sản phẩm của các địa phương được lan tỏa rộng khắp đến người tiêu dùng.

Các sản phẩm OCOP, nông sản, trái cây vùng miền được giới thiệu tại hội chợ. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Để nông sản, đặc sản địa phương đến được với người tiêu dùng Thủ đô, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã kết hợp vừa bán hàng truyền thống vừa bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh liên kết, xúc tiến thương mại… giúp tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Chương trình Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ, với giá cả hợp lý đến người tiêu dùng, nhất là các sản phẩm trái cây theo mùa vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã mở nhiều hội chợ, phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; đồng thời kết nối cung cầu giữa các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã với siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hệ thống bán lẻ hiện đại tại các thành phố lớn trong cả nước theo chuỗi giá trị nông sản với hệ sinh thái đầy đủ, khép kín, minh bạch từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, thương mại và phân phối tới tay người tiêu dùng.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư, Du lịch Hà Nội cho biết người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua hàng qua kênh thương mại truyền thống mà còn đẩy mạnh tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội…

Vì vậy, tại các hội chợ, phiên chợ nông sản với điểm nhấn là hoạt động livestream bán nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok và các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, các sản phẩm nông đặc sản các tỉnh, thành phố sẽ tạo được sự lan tỏa rộng khắp đến người tiêu dùng cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ánh Dương thì các hợp tác xã và bà con cần phải đổi mới tư duy để có thể tận dụng được hết mức các lợi ích của thương mại điện tử.

Các sản phẩm OCOP, nông sản, trái cây vùng miền được giới thiệu tại hội chợ. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Do kinh doanh qua sàn thương mại điện tử không chỉ dừng lại ở thu hoạch và bán hàng mà cần có sự đầu tư vào khâu đóng gói, bao bì, mẫu mã, hậu cần, vận chuyển hay làm hình ảnh quảng bá để cải tiến cách làm và phát triển sản xuất kinh doanh một cách tối ưu.

Bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) cho biết hiện là đơn vị duy nhất tại Hòa Bình có dây chuyền sơ chế sau thu hoạch sản phẩm cam tươi, sản lượng bình quân hàng năm khoảng trên 300 tấn.

Giá bán bình quân cao hơn mặt bằng chung thị trường khoảng 20%. Giá bao tiêu cho thành viên hợp tác xã cao hơn mặt bằng chung thị trường thấp nhất là 10%.

Cùng với kênh bán hàng truyền thống, Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong cũng phát triển kênh thương mại điện tử. Sau mỗi lần livestream, hợp tác xã đã kết nối với các cơ sở sản xuất, nhà phân phối, chốt được các đơn hàng trên kênh của mình.

Bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã cho biết có thời điểm đơn vị chốt bán được 3 tấn cam/ngày nhờ livestream. Ngoài ra kênh facebook với hơn 1.000 người theo dõi giúp hợp tác xã giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hợp tác xã đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng mối liên kết bền vững với người tiêu dùng thông qua các chương trình giáo dục, các buổi trải nghiệm thực tế truyền thông về lợi ích của sản phẩm nông nghiệp bền vững; phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo, như cửa hàng nông sản sạch, trang trại tham quan và học tập, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và thúc đẩy tiêu dùng xanh…

Làm hàng nông sản, đặc sản địa phương, theo các hợp tác xã, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất sạch, bền vững không làm khó họ. Nhưng việc tiêu thụ sản phẩm lại là bài toán khó không chỉ đối với các doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng vậy, bà Vũ Thị Lệ Thủy chia sẻ.

Các nhà sáng tạo nội dung giúp bà con nông dân tiêu thụ nhãn lồng và nông sản OCOP trên Tiktok. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Trên thực tế nhiều hợp tác xã dù đã tiếp cận với bán hàng online nhưng tỷ lệ hàng hóa bán theo hình thức này vẫn chưa cao. Điều này được các chuyên gia lý giải là vì mối liên kết giữa hợp tác xã với các sàn thương mại điện tử vẫn chưa chặt chẽ. Đặc biệt, khi đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử, hợp tác xã cũng chịu sự phụ thuộc nhất định vào đơn vị lưu trữ hàng hóa, làm sao bảo đảm mức chiết khấu phù hợp cho người mua.

Cho nên việc tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và thương mại điện tử trong lĩnh vực nông sản nói riêng là một hành trình đầy thử thách và đòi hỏi nhiều nguồn lực cũng như sự kiên nhẫn. Bởi bán sản phẩm nông sản tươi là một bài toán khó đối với ngành nông nghiệp, nhất là sản phẩm rau ăn lá, người bán hàng thường nói "sáng rau chiều rác," đó là vì thời gian từ khi nhập hàng đến khi bán ra rất ngắn.

Nếu kéo dài thời gian này, chất lượng của sản phẩm sẽ giảm đi. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, từ nhà cung ứng đến các đơn vị vận chuyển.

Đồng hành đưa sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết trong thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản các địa phương vào hệ thống các siêu thị.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP như triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử... cho các sản phẩm OCOP.

Việc chủ động các biện pháp xúc tiến thương mại, xúc tiến tiêu thụ hàng Việt nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho đa số người tiêu dùng Việt Nam trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất./.