Hà Nội: Gần 6.340 tỷ đồng đầu tư Khu công nghiệp Đông Anh
Dự án Khu công nghiệp Đông Anh có quy mô 299,45ha, được thực hiện tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, với tổng vốn đầu tư là 6.338,478 tỷ đồng.
Ngày 5/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 221/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh, thành phố Hà Nội (Dự án).
Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là chủ đầu tư dự án.
Dự án được thực hiện tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội với tổng vốn đầu tư là 6.338,478 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 1.267,696 tỷ đồng.
Quy mô sử dụng đất của dự án là 299,45ha gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là 179,1ha và giai đoạn 2 là 120,35ha, trong đó không tính phần diện tích đất các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện hữu đã thuê đất của Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị N6 và quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Đông Anh vào phần diện tích được phép cho thuê lại đất của nhà đầu tư.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; sự phù hợp của dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chịu trách nhiệm về những nội dung đã chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó; tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành.
Kiểm tra, giám sát, đảm bảo dự án triển khai phù hợp với vị trí quy hoạch phát triển khu công nghiệp Đông Anh đã được phê duyệt.
Không được chuyển phần diện tích quy hoạch phát triển khu công nghiệp Đông Anh còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sang mục đích khác khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cùng với đó, tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Đông Anh theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về khu công nghiệp và khu kinh tế; xem xét bố trí quỹ đất công nghiệp trong khu công nghiệp Đông Anh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh thuê lại đất.
Kiểm tra, xác định nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án tại thời điểm cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất...
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và các cơ quan có liên quan giám sát, đánh giá việc thực hiện dự án, trong đó có việc góp đủ vốn và đúng thời hạn theo cam kết của nhà đầu tư để thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; hướng dẫn nhà đầu tư tuân thủ các điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dụng khu công nghiệp Đông Anh được phê duyệt, trong đó lưu ý việc đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Đông Anh phải đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển mới của Thủ đô và định hướng phát triển các ngành công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải theo quy định của pháp luật...
Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu theo cam kết để thực hiện dự án theo đúng tiến độ và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai; đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản khi thực hiện hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; chỉ được thực hiện dự án sau khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và có trách nhiệm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định tại khoản 3 Điều 134 Luật Đất đai và Điều 45 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai./.