Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết gia tăng, nguy cơ dịch chồng dịch đến gần
Trong khi số ca mắc sốt xuất huyết trong 2 tuần đầu tháng 7/2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội gia tăng hơn tháng 6 trước đó, các bệnh sởi, ho gà diễn biến phức tạp do lỗ hổng “miễn dịch.”
Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trong 2 tuần đầu tháng 7/2024 trên địa bàn thành phố gia tăng hơn tháng 6 trước đó.
Nếu như trong tháng 6/2024, trung bình mỗi tuần, Hà Nội ghi nhận 30-80 ca/tuần thì đến đầu tháng 7 tăng lên 100-120 ca/tuần; từ 1-2 ổ dịch/tuần nay số ổ dịch mới tăng lên nhanh chóng.
Riêng trong tuần đầu tháng 7 đã có thêm 11 ổ dịch sốt xuất huyết tại 7 quận, huyện: Đan Phượng, Hà Đông, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Nam Từ Liêm và Thạch Thất.
Đáng lưu ý, cùng với sốt xuất huyết, các bệnh sởi, ho gà diễn biến phức tạp do lỗ hổng “miễn dịch.”
Bệnh ho gà tiếp tục gia tăng, chủ yếu là ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Trong 2 tuần đầu tháng 7/2024, trên địa bàn ghi nhận 23 ca mắc ho gà, nâng số ca mắc từ đầu năm 2024 đến nay lên 173 ca, trong khi cùng kỳ năm trước không có ca bệnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2023, tỷ lệ tiêm chủng hầu hết các vaccine đều chưa đạt tiến độ, trong đó, tỷ lệ tiêm vaccine sởi, ho gà đều không đạt chỉ tiêu đề ra. Đây cũng là loại vaccine có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong số 10 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, tỷ lệ tiêm chủng thấp là nguyên nhân bệnh sởi và các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine quay trở lại.
Mặt khác, virus sởi lây lan rất nhanh và sẽ tấn công những người chưa được tiêm phòng nên việc tiêm phòng không đúng, không đủ, chỉ cần một vài ca bệnh xuất hiện nguy cơ sẽ lây lan thành dịch.
Để ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 2364/UBND-KGVX về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Hè năm 2024.
Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, ổ dịch tại cộng đồng và cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng. Đồng thời tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình, kịp thời triển khai biện pháp xử lý dịch.
Ngành thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vaccine phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.
Cùng với đó là bảo đảm tổ chức tốt thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp biến chứng nặng, tử vong.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với ngành y tế hướng dẫn và tổ chức triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở giáo dục, nhất là trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ; thực hiện tốt truyền thông học đường về phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng bệnh, công tác y tế trường học để phát hiện sớm, xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; chủ động rà soát địa bàn, khu vực nguy cơ bùng phát dịch để triển khai biện pháp phòng, chống dịch từ sớm, từ xa, không để bùng phát, lây lan...
Các quận, huyện, thị xã tập trung kiểm tra, giám sát tại các xã, phường, thị trấn có tỷ lệ bỏ sót ổ bọ gậy và tỷ lệ phun hóa chất diệt muỗi chưa triệt để cao.
Duy trì thường xuyên hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy thực hiện hiệu quả chiến dịch vệ sinh môi trường phòng bệnh sốt xuất huyết, bảo đảm diệt bọ gậy ít nhất mỗi tuần một lần.
Cùng với đó, rà soát tình hình tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đề nghị./.