Hà Nội: Còn 30 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động, có 2.500 ca mắc
Từ 23-30/8, tại Hà Nội phát sinh thêm 16 ổ dịch sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm đến nay, Thủ đô có hơn 2.500 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp nào tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 23/8 đến ngày 30/8), toàn thành phố ghi nhận 265 ca mắc sốt xuất huyết, 34 ca mắc tay chân miệng và 2 ca ho gà.
Số ca mắc sốt xuất huyết phân bố tại 29 quận, huyện. Một số địa phương có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết như: Đan Phượng, Hà Đông, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội có hơn 2.500 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp nào tử vong.
Trong tuần, tại Hà Nội phát sinh thêm 16 ổ dịch sốt xuất huyết tại Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Phúc Thọ, Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Từ đầu năm đến nay thành phố ghi nhận 120 ổ dịch, còn 30 ổ dịch đang hoạt động.
CDC Hà Nội nhận định, thời tiết nắng nóng kèm theo mưa nhiều hiện nay là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh. Số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng, một số ổ dịch kéo dài, tiếp tục ghi nhận bệnh nhân.
Kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn cho thấy chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Vì thế, dự báo số mắc có thể gia tăng trong thời gian tới.
Trong tuần các địa phương tại Hà Nội đã tổ chức 18 chiến dịch vệ sinh môi trường, kiểm tra phòng chống dịch tại hơn 136.000 hộ gia đình và 731 khu vực trường học, công cộng, xử lý gần 20.000 dụng cụ chứa nước có bọ gậy.
Ngoài ra, số ca mắc tay chân miệng phần lớn là ca bệnh tản phát, không ghi nhận ổ dịch phức tạp. Dự báo số mắc có thể gia tăng trong thời gian tới khi các trường mầm non và tiểu học tiếp nhận trẻ đi học trở lại.
Hiện tại, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 2 ca mắc sởi, thời gian tới có thể ghi nhận ca bệnh.
Trong tuần tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và cơ sở khám chữa bệnh nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch./.