Gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ Dự án thành phần 2 Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột
Các đơn vị thi công đang tập trung nguồn lực để thi công, nhất là các hạng mục quan trọng, phức tạp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án thành phần 2 Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.
Dự án thành phần 2, Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có chiều dài hơn 36,9km, đi qua tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa, do Ban Quản lý Dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư.
Hiện, các đơn vị thi công đang tập trung nguồn lực để thi công, nhất là các hạng mục quan trọng, phức tạp, với nỗ lực giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
"Vượt nắng thắng mưa” trên công trường
Một ngày cuối tháng Sáu, phóng viên có dịp tác nghiệp trên “đại công trường” thi công Dự án thành phần 2, Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 ở khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Đây là đoạn thuộc gói thầu XL01, có chiều dài 11km.
Ngoài phần đường, hầm Phượng Hoàng dài 1,7km còn có 10 cầu được thực hiện bởi liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.
Do gói thầu có nhiều cầu cùng hầm Phượng Hoàng thi công trên địa hình đồi núi phức tạp, điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên các đơn vị thi công luôn quán triệt tinh thần “vượt nắng thắng mưa, thực hiện 3 ca, 4 kíp” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện dự án.
Ông Ngô Hữu Khoa, Giám đốc Ban điều hành Gói thầu XL01, Dự án thành phần 2, Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột cho biết đơn vị thi công ở địa hình phức tạp, có nhiều cầu và một hầm.
Hầm Phượng Hoàng cũng là hầm dài nhất trên tuyến nối thông giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa là hạng mục khó và đòi hỏi nhiều công sức. Do đó, liên danh nhà thầu đã huy động 250 nhân sự, 160 xe máy thiết bị, triển khai 12 mũi thi công, bao gồm: 2 mũi thi công hầm Phượng Hoàng, 5 mũi thi công đường và 5 mũi thi công cầu, đường.
Công tác thi công được chia theo ca, kíp để thực hiện 24/24 giờ, đảm bảo tiến độ dự án đã đề ra, dự kiến gói thầu được hoàn thành vào tháng 6/2027.
Theo ông Ngô Hữu Khoa, trong các mũi thi công, thi công hầm Phượng Hoàng luôn được đặc biệt quan tâm. Đến nay, hầm Phượng Hoàng phía Tây (Đắk Lắk) đã khoan được hơn 42m, theo tiến độ dự án dự kiến đến tháng 12/2025 sẽ thông hầm. Đây là một trong những công trình phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao nên đơn vị thi công huy động cán bộ kỹ thuật cao, thiết bị máy móc hiện đại để thi công 24/24 giờ nhằm đẩy nhanh tiến độ khoan hầm.
Tỉnh Đắk Lắk đã vào mùa mưa và kéo dài đến khoảng đầu năm 2025, do đó, việc thi công trong hầm Phượng Hoàng sẽ giúp nhà thầu hạn chế ảnh hưởng của thời tiết đến tiến độ.
Đây cũng là lần đầu tiên có dự án thi công hầm ở Tây Nguyên, khu vực cửa hầm lại có địa chất rất phức tạp. Do đó, đơn vị thận trọng, vừa đào, thăm dò, kiểm tra từng bước để đảm bảo chất lượng thi công. Mỗi ngày, đơn vị đào được hơn 1 mét hầm, khi khoan sâu hầm nếu địa chất không thay đổi thì tiến độ đào hầm chắc chắn đảm bảo và góp phần đảm bảo tiến độ chung của dự án, ông Ngô Hữu Khoa cho biết thêm.
Anh Nguyễn Đình Thương, công nhân trực tiếp khoan hầm, cho biết để đảm bảo tiến độ dự án, công nhân đang tận dụng mọi thời gian để thi công theo phương án “3 ca, 4 kíp."
Dù điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhất là việc thi công trong hầm khá vất vả nhưng được sự quan tâm về điều kiện ăn, ở của nhà thầu cùng tinh thần vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ nên anh em công nhân nỗ lực hết mình, vừa đảm bảo an toàn lao động vừa thực hiện hiệu quả công việc, quyết tâm về đích đúng tiến độ đề ra.
Theo Ban Quản lý Dự án 6, Dự án thành phần 2 có 3 gói thầu xây lắp, hiện có 52 mũi thi công với 435 thiết bị, máy móc; 111 kỹ sư; hơn 800 công nhân đang tổ chức thi công trên các công trường.
Tính đến ngày 17/6, lũy kế sản lượng đạt khoảng 4,2%, cơ bản đáp ứng tiến độ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tập trung giải quyết để đảm bảo tiến độ dự án.
Sớm gỡ khó cho dự án
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án 6, tổng diện tích phải thu hồi của dự án là 321,81ha; trong đó, chủ yếu ở tỉnh Đắk Lắk với 317,54ha. Tính đến ngày 17/6, tỉnh Đắk Lắk đã bàn giao 246,26ha/317,54 ha, đạt 77,6%.
Công tác thi công của một số nhà thầu đang bị chậm tiến độ do phạm vi mặt bằng dự án liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng chiếm tỷ trọng lớn. Hiện các thủ tục phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, phê duyệt phương án trồng rừng thay thế, phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng đã hoàn thành nhưng địa phương đang tiến hành các thủ tục để khai thác tận thu, đấu giá cây rừng... dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Ngoài ra, địa hình khu vực xây dựng dự án rất phức tạp; đường công vụ ngoại tuyến tiếp cận công trường và tổ chức thi công xây dựng đặc biệt khó khăn. Các vị trí bãi đổ vật liệu thừa đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk chấp thuận tại các vị trí đất công (đất lâm nghiệp) nhưng công tác thỏa thuận với các hộ dân đang khai thác trồng trọt, canh tác gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các nhà thầu.
Theo chủ đầu tư dự án, để khắc phục phần nào những khó khăn, đơn vị đã và đang tích cực phối hợp với địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà thầu và thi công đường công vụ dọc tuyến để tiếp cận các công trình hầm, cầu. Đồng thời huy động thêm nhân lực cho các mũi thi công nhất là đào đắp nền đường nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Cũng theo Ban Quản lý dự án 6, để đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk và các sở, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn thành khai thác, vận chuyển lâm sản đoạn qua địa bàn huyện M’Đrắk.
Đồng thời, ngành chức năng khẩn trương hoàn thành các nội dung liên quan đến khai thác, tận thu gỗ rừng đoạn qua địa bàn huyện Krông Bông, đảm bảo kịp thời hoàn thành và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trước ngày 30/6/2024 để nhà thầu tổ chức thi công.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các địa phương và đơn vị liên quan đôn đốc các hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khẩn trương thu hoạch cây cối, hoa màu kịp thời bàn giao mặt bằng cho nhà thầu tổ chức thi công.
Đối với 11 hộ trên địa bàn huyện Krông Bông chưa thống nhất phương án phê duyệt, chủ đầu tư đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quan tâm chỉ đạo địa phương có biện pháp giải quyết để sớm bàn giao mặt bằng thi công dự án.
Về bãi chứa vật liệu thừa, chủ đầu tư đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk quan tâm chỉ đạo các địa phương và các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ nhà thầu trong công tác thỏa thuận, thống nhất và chấp thuận các vị trí bãi đỗ vật liệu thừa, đảm bảo có đủ diện tích bãi đổ phục vụ thi công, đáp ứng tiến độ yêu cầu của dự án.
Bên cạnh đó, về cấp điện phục vụ thi công, do vướng giải phóng mặt bằng nên các nhà thầu phải xây dựng lại kế hoạch tổ chức thi công, dẫn đến thay đổi phương án cấp điện phục vụ thi công so với dự kiến ban đầu.
Trên cơ sở đăng ký của các nhà thầu thi công, sau khi rà soát điều kiện thực tế hiện trường và kế hoạch tổ chức của các đơn vị, chủ đầu tư đã trực tiếp làm việc và có văn bản gửi Công ty Điện lực Đắk Lắk đăng ký nhu cầu sử dụng điện phục vụ Dự án thành phần 2. Do đó, chủ đầu tư đề nghị Công ty điện lực Đắk Lắk sớm giải quyết, đảm bảo nguồn điện phục vụ thi công.
Vừa qua, Thông báo số 271/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 12 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải cũng nêu rõ về công tác giải phóng mặt bằng, diện tích còn lại của một số dự án còn chậm, trong đó có tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk.
Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo hơn nữa trong việc giải quyết khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu trong triển khai các dự án.
Các bộ, ngành chủ động xử lý theo thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ được giao, vượt thẩm quyền mới báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tránh đùn đẩy, né tránh. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; hoàn thành bàn giao toàn bộ diện tích mặt bằng còn lại trước ngày 30/6/2024./.