"Giữ lửa" nghề đóng xuồng, ghe trăm tuổi rạch Bà Đài

Ông Bảy Tốt tiên phong mang đến một làn gió mới cho làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài, đáp ứng nhu cầu, xu hướng của thị trường gắn với phát triển du lịch thông qua xuồng, ghe phiên bản mini.

Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) ra đời và tồn tại hơn 100 năm qua, đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia.

Những năm gần đây, tình hình tiêu thụ khó khăn nên không ít hộ đành bỏ nghề truyền thống của địa phương.

Tuy nhiên, một số người vẫn cố gắng duy trì, tìm hướng đi mới cho làng nghề, vừa mang lại thu nhập, vừa gìn giữ và nâng cao giá trị nghề truyền thống.

Ký ức về một thời vang danh

Với 50 năm theo nghề đóng xuồng, ghe, ông Nguyễn Văn Tốt ở xã Long Hậu cho biết, ông Phạm Văn Thuông (1875-1945) được xem là ông tổ của Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài.

Từ chiếc xuồng cui, theo nhu cầu của thị trường mà những người thợ tài hoa ở rạch Bà Đài đã cho ra đời nhiều loại như: xuồng cui Cần Thơ, xuồng ba lá Long An, xuồng ba lá Tháp Mười, ghe tam bản, ghe bầu Cái Răng…

Thời hưng thịnh, Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài có trên 200 hộ và cơ sở đóng xuồng, ghe, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động.

Hiện nay, toàn xã còn khoảng 50 gia đình, cơ sở duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh xuồng, ghe.

Thời thịnh vượng của Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài là giai đoạn 1978-2000. Mỗi năm, làng nghề xuất bán hàng chục nghìn chiếc xuồng, ghe. Sản phẩm xuồng, ghe mang thương hiệu Bà Đài không chỉ bán khắp vùng sông nước miền Tây Nam Bộ mà còn sang tận Campuchia.

Tiếng thơm làng nghề lan truyền cho tới ngày nay. Hằng năm, đầu tháng Tư đến cuối tháng Tám âm lịch là mùa làm xuồng, ghe tất bật. Năm nào nước lũ lên cao thì nhu cầu sử dụng của người dân càng nhiều và mùa làm ăn của các cơ sở đóng xuồng, ghe kéo dài đến tháng 10 âm lịch.

Ông Võ Văn Bé Mười ở xã Long Hậu có thâm niên làm nghề đóng xuồng, ghe hơn 35 năm cho hay, trước đây, khi nước lũ còn về nhiều và cá, tôm phong phú, chưa có xuồng làm bằng composite thì xuồng gỗ của rạch Bà Đài rất được ưa chuộng.

Để kịp hàng giao cho khách hàng, ông và những người làm nghề đóng xuồng phải tăng ca làm việc cả vào buổi tối. Dần dần, thị trường bị thu hẹp, dù rất buồn nhưng ông phải đành chuyển sang nghề khác.

Khác với lời kể về một làng nghề xưa kia nhộn nhịp, đông đúc, giờ đây, chạy quanh rạch Bà Đài, thỉnh thoảng mới gặp nhà làm nghề đóng, xuồng ghe.

Theo nhiều người dân ở làng nghề, trước kia, giao thông đường bộ chưa phát triển, chiếc xuồng, chiếc ghe gắn liền với cuộc sống mưu sinh của nhiều người ở miền Tây sông nước.

Những năm qua, hệ thống giao thông đường bộ ngày càng phát triển. Xuồng và ghe gỗ của làng nghề lại bị cạnh tranh bởi xuồng, ghe bằng chất liệu sắt, composite.

Bên cạnh đó, nước lũ từ thượng nguồn về trễ và ít, nhiều ngư dân không ra đồng đánh bắt thủy sản mùa nước nổi. Do vậy, số lượng xuồng, ghe tiêu thụ cũng giảm sâu.

Bà Trần Thị Bé Năm làm nghề đóng và kinh doanh xuồng, ghe ở xã Long Hậu cho biết, những năm gần đây, tình hình tiêu thụ xuồng, ghe khó khăn; vào mùa lũ thì cũng không khả quan hơn nhiều. Thị trường tiêu thụ ngày càng bị thu hẹp.

Trong khi đó, cây sao vườn - loại cây dùng để đóng xuồng ngày càng khan hiếm, tìm mua khó khăn, giá bán lại tăng cao khiến lợi nhuận từ mỗi chiếc xuồng kém hấp dẫn. Nhiều người đành bỏ nghề đóng xuồng ghe, chuyển sang làm công việc khác.

"Làn gió mới" cho làng nghề

Gia đình ông Nguyễn Văn Tốt (thường gọi Bảy Tốt, ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung) có 4 đời làm nghề đóng xuồng, ghe. Không thể đứng nhìn làng nghề truyền thống của quê hương dần mai một.

Năm 2008, ông Bảy Tốt nghiên cứu và đóng xuồng, ghe kích thước mini, nguyên mẫu như xuồng, ghe lớn để lưu giữ và quảng bá cho du khách. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuồng, ghe mini của ông dần được nhiều người biết đến và đặt mua.

Ông Nguyễn Văn Tốt làm sản phẩm xuồng, ghe mini. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Ông Bảy Tốt tiên phong mang đến một làn gió mới cho làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài, đáp ứng nhu cầu, xu hướng của thị trường gắn với phát triển du lịch thông qua những sản phẩm xuồng, ghe phiên bản mini.

Theo ông Bảy Tốt, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của ông là những loại xuồng, ghe truyền thống như ghe Bà Đài, ghe tam bản, xuồng ba lá, xuồng Cần Thơ...

Bên cạnh đó, ông còn làm những sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng như tàu cứu sinh của Hoa Kỳ, thuyền của Italy, thuyền của Na Uy.

Với đôi bàn tay khéo léo cùng thâm niên làm nghề, ông Bảy Tốt tạo ra những sản phẩm tinh xảo, bán cho khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và cả nước ngoài như Hoa Kỳ, Pháp, Italy, Hàn Quốc, Campuchia…

Ông Bảy Tốt cho biết xuồng, ghe mini làm bằng gỗ của 3 loại cây: mít, còng và mù u vì gỗ có màu sắc tự nhiên rất đẹp, không cần phải sơn, không bị mối mọt tấn công. Giá bán mỗi sản phẩm xuồng, ghe mini từ 400 nghìn đồng đến 6 triệu đồng, tùy thuộc vào mẫu mã, kích thước.

Chẳng hạn, đơn hàng ghe mũi chài lớn, ghe ngo, thuyền rồng có giá khá cao vì mất nhiều thời gian, mẫu mã cầu kỳ. Nghề đóng xuồng, ghe thu nhỏ mang lại doanh thu cho ông khoảng 100 triệu đồng/năm và điều ông vui nhất là góp phần gìn giữ làng nghề truyền thống.

Việc làm xuồng, ghe mini đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận nên khó khăn, mất nhiều thời gian. Để thu hút khách hàng, sản phẩm xuồng, ghe mini đòi hỏi sự tinh xảo. Tuy là hàng thủ công mỹ nghệ nhưng phải tương tự nguyên mẫu như xuồng, ghe lớn.

Sản phẩm của ông Bảy Tốt được bán cho khách hàng làm quà lưu niệm, trưng bày. Nhiều khách hàng cũng đến đặt mua các sản phẩm mới như: bồn tắm mô hình chiếc xuồng; xuồng mini dùng để trưng trái cây, trang trí tiểu cảnh tại các sự kiện…

Ông Nguyễn Văn Tốt ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung với các sản phẩm xuồng, ghe mini. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Tốt tâm sự xưa kia, chiếc xuồng, chiếc ghe gắn liền với cuộc sống, mưu sinh của nhiều người ở miền Tây sông nước. Việc chuyển hướng sang đóng xuồng, ghe mini giúp gia đình ông có nguồn thu nhập và cũng là cách gìn giữ nghề truyền thống của quê hương do cha ông để lại. Những năm gần đây, nhờ du lịch phát triển nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của ông ngày càng được nhiều khách hàng biết đến.

Ông Võ Hoàng Cương, Bí thư Huyện ủy Lai Vung, cho rằng đóng xuồng, ghe tuy là nghề địa phương, nhưng sản phẩm tiêu thụ có thể vươn ra khỏi đất nước. Những năm qua, nhiều du khách ở châu Âu, châu Mỹ tìm đến Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài để tham quan và đặt mua những sản phẩm xuồng, ghe thủ công mỹ nghệ; yêu cầu làm những xuồng bơi thể thao, bàn ăn, bàn trà mô hình xuồng, ghe. Ngoài việc giữ gìn giá trị truyền thống, một số nghệ nhân của làng nghề có sự đổi mới, nâng cao giá trị phù hợp với xã hội hiện đại./.