Giáo sư Hal Hill: Tương lai của Australia nằm ở ASEAN
Giáo sư Hal Hill khẳng định tương lai của Australia nằm ở khu vực ASEAN, vì vậy, Australia và ASEAN cần làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương về mặt kinh tế, chính trị và văn hóa.
Đánh giá về kết quả Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Australia diễn ra từ ngày 4-6/3 vừa qua ở thành phố Melbourne, Giáo sư danh dự Hal Hill của Trường Chính sách Công Crawford, thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) cho rằng tương lai của Australia nằm ở ASEAN.
Trả lời phóng viên TTXVN thường trú tại Australia, Giáo sư Hal Hill khẳng định: “Đây là hội nghị cấp cao rất quan trọng đối với Australia vì ASEAN là đối tác quan trọng nhất của chúng tôi, cả về ngoại giao cũng như thương mại, hơn bất kỳ quốc gia giàu có nào khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).”
Theo Giáo sư Hal Hill, Australia có mối quan hệ lâu dài với ASEAN về mặt lịch sử, là đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN từ cách đây 50 năm.
Hiện mối quan hệ đó trở nên quan trọng và gắn kết hơn bởi có rất nhiều người dân và sinh viên đến từ các quốc gia Đông Nam Á đang sinh sống và học tập tại quốc gia châu Đại Dương này.
Theo ông, Hội nghị Cấp cao vừa qua là cơ hội tốt để Thủ tướng Australia Anthony Albanese có thể gặp gỡ và đối thoại với 9 nhà lãnh đạo ASEAN, và điều đó rất quan trọng để các nhà lãnh đạo có thể hiểu nhau hơn, cùng đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn để không bỏ lỡ các cơ hội trong khu vực, cả về mặt chính trị cũng như kinh tế.
Giáo sư Hal Hill cho biết “Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040” được ban hành hồi năm ngoái là nỗ lực của Chính phủ Australia nhằm nêu bật những cơ hội cho doanh nghiệp và xã hội Australia trong việc hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các doanh nghiệp Australia có thực sự nắm bắt được cơ hội?
Hiện các nền kinh tế ASEAN đang phát triển nhanh chóng và Australia cần thay đổi cách nhìn của mình để nắm bắt các cơ hội.
Australia có khá nhiều tiềm năng để khai thác, chẳng hạn các trường đại học của Australia có thể đóng vai trò trong việc kết nối với ASEAN.
Australia có chuyên môn trong một số lĩnh vực nhất định, có công nghệ khí hậu và cơ sở y tế tiên tiến. Vì vậy, hai bên có thể hợp tác sâu rộng cùng nhau.
Giáo sư Hal Hill cho biết Australia cũng đã thành lập một quỹ khuyến khích các hoạt động đầu tư vào ASEAN. Đây là sáng kiến quan trọng bởi hiện giờ phần lớn các khoản đầu tư của Australia tập trung vào châu Âu và Bắc Mỹ, chứ không phải vào ASEAN.
Chính vì thế, Chính phủ Australia muốn đẩy mạnh sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với thị trường tiềm năng này.
Theo Giáo sư Hal Hill, Australia cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao hiểu biết của mình về các nước ASEAN.
Trong các trường đại học của Australia, các nhà nghiên cứu nên dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về các nước Đông Nam Á.
Dù Hội nghị Cấp cao vừa qua rất hữu ích, song cả ASEAN và Australia vẫn cần phải nỗ lực và hành động nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, ông cho rằng Ngoại trưởng Australia Penny Wong sinh ra ở một quốc gia ASEAN, và đó chính là một trong những lợi thế của mối quan hệ song phương.
Giáo sư Hal Hill khẳng định tương lai của Australia nằm ở khu vực ASEAN. Vì vậy, Australia và ASEAN cần làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương về mặt kinh tế, chính trị và văn hóa.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là cần thực hiện điều này như thế nào? Làm thế nào để các tham vọng trở thành hiện thực chứ không phải chỉ là những lời nói suông?
Theo Giáo sư Hal Hill, có một thực tế là cả Australia và các nước ASEAN đều không phải là những nước lớn.
Tất nhiên, một số nước ASEAN có dân số lớn, chẳng hạn như Indonesia - quốc gia có dân số lớn thứ tư trên thế giới, hay Philippines với hơn 100 triệu dân và Việt Nam gần 100 triệu dân - song vẫn chỉ là những nước nhỏ trong nền kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị chi phối chủ yếu bởi các nước ở Bắc bán cầu, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, và hiện giờ là một Ấn Độ đang trỗi dậy.
Tuy nhiên, hợp tác với nhau sẽ giúp Australia và ASEAN tạo dựng được ảnh hưởng lớn hơn, tiếng nói sẽ có trọng lượng hơn, nhất là trong những vấn đề toàn cầu quan trọng, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng khí hậu, quá trình chuyển đổi năng lượng…
Bên cạnh đó, Giáo sư Hal Hill cho rằng giáo dục đại học đang được toàn cầu hóa nhanh chóng và đó cũng là một vấn đề quan trọng. Australia và ASEAN có thể cùng nhau làm nhiều hơn nữa để trao đổi giảng viên và sinh viên.
Đánh giá về vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy mối quan hệ ASEAN-Australia, Giáo sư Hal Hill khẳng định Việt Nam thực sự là nhân tố rất quan trọng.
Việt Nam hiện là nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á, là cầu nối khu vực với phần còn lại của thế giới. Vì vậy, Australia cần duy trì mối quan hệ chặt chẽ và gần gũi với quốc gia Đông Nam Á này.
Đặc biệt, Giáo sư Hal Hill bày tỏ sự ấn tượng và ngưỡng mộ về cách Việt Nam quản lý hiệu quả chính sách đối ngoại của mình./.