Giảm nghèo bền vững: Cần chính sách đặc thù và cách làm phù hợp

Thời gian tới công tác giảm nghèo sẽ tập trung vào các giải pháp chính về tuyên truyền; hoàn thiện chính sách; phân cấp, phân quyền cụ thể; tăng cường công tác giám sát, đánh giá công tác thực hiện.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm. Để thực hiện mục tiêu này, các chính sách giảm nghèo liên tục được điều chỉnh, bổ sung để hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững.

Nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (từ ngày 17/10 đến 18/11/2023), Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Lê Bình, Phó chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về việc thực hiện công tác giảm nghèo trong thời gian tới.

Chú trọng hỗ trợ sinh kế

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của việc tạo sinh kế bền vững cho người dân trong công cuộc giảm nghèo?

Ông Nguyễn Lê Bình: Việc tạo sinh kế bền vững cho người dân trong công tác giảm nghèo đã được Bác Hồ, Đảng ta đặc biệt quan tâm. Ngay sau khi giành được độc lập (tháng 8/1945), trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ vào ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cứu đói là một nhiệm vụ hàng đầu, Người đề nghị với Chính phủ phát động ngay một chiến dịch khẩn thiết kêu gọi "Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!”

Đại hội lần thứ IX của Đảng khẳng định: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo…. Đi đôi với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, phải rất coi trọng việc tạo nguồn lực cần thiết để dân cư ở các vùng nghèo, xã nghèo đẩy mạnh sản xuất, phát triển ngành nghề, tăng nhanh thu nhập… Nâng dần mức sống của các hộ đã thoát nghèo, tránh tình trạng tái nghèo.”

[Quan tâm, chăm lo người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau]

Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo qua các giai đoạn và cả giai đoạn 2021-2025, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất cho người nghèo luôn được ưu tiên hàng đầu vì đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất, nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dich cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững.

- Đối với các huyện nghèo, nhất là ở khu vực biên giới, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, theo ông đâu sẽ là những hướng đi cần chú trọng để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, thưa ông?

Ông Nguyễn Lê Bình: Đối với các huyện nghèo, nhất là ở khu vực biên giới, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, chúng ta cần thực hiện đầy đủ các giải pháp về giảm nghèo đồng thời cần bổ sung chính sách đặc thù, cách làm phù hợp, vừa bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, vừa bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Theo đó, chúng ta cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư; ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, có chính sách đặc thù đối với khu vực biên giới, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trước mắt là chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, sản xuất đối với huyện nghèo, huyện biên giới với mức đầu tư lớn hơn, có địa chỉ cụ thể.

Ông Nguyễn Lê Bình, Phó chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, cần đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh. Chúng ta cần triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; phát triển đa dạng các mô hình sản xuất phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết của cấp ủy về giảm nghèo; phân công cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đảng viên theo dõi, hỗ trợ huyện nghèo, huyện biên giới, giúp đỡ hộ nghèo.

Tránh trùng lắp các chính sách hỗ trợ

- Để tận dụng tối đa các nguồn lực, việc gắn kết triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững với Chương trình Xây dựng Nông thôn mới và Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Lê Bình: Thời gian qua, các chương trình mục tiêu quốc gia đều hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao mức sống của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Giai đoạn 2021-2025 Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số ít nhất 3%. Cả 3 chương trình đều có một số dự án, hoạt động tương đồng như hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, việc làm nhưng địa bàn thực hiện cơ bản khác nhau.

Các hoạt động khác của 3 chương trình có tính chất tương hỗ lẫn nhau để hướng đến mục tiêu hỗ trợ các xã, huyện, tỉnh từng bước đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu một cách thực chất.

Tại Nghị định 27 của Chính phủ cũng đã quy định nguyên tắc lồng ghép vốn để các địa phương chủ động quy định cụ thể để triển khai thực hiện bảo đảm phù hợp với địa phương mình.

Để bảo đảm mục tiêu, hiệu quả Quốc hội giao, Chính phủ và các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 từ cấp trung ương đến cấp xã để thống nhất quản lý, điều phối hoạt động của 3 chương trình.

Trong quản lý, chỉ đạo triển khai 3 chương trình, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Dân tộc và các bộ, cơ quan liên quan trao đổi, thống nhất cách thức quản lý, tổ chức triển khai thực hiện để hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất, hiệu quả, đúng quy định, không trùng lắp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc nảy sinh đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động, tích cực lồng ghép nguồn vốn giữa 3 chương trình và các chương trình, dự án khác để tăng hiệu quả sử dụng vốn, đạt và vượt mục tiêu đề ra.

- Xin ông cho biết đâu sẽ là giải pháp trọng tâm trong triển khai công tác giám nghèo bền vững trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Lê Bình: Thời gian tới, công tác giảm nghèo sẽ tập trung vào 6 giải pháp chính về tuyên truyền; hoàn thiện cơ chế chính sách; phân cấp, phân quyền cụ thể; tổ chức thực hiện các dự án; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và tăng cường công tác giám sát, đánh giá.

Các chính sách giảm nghèo đang đổi mới cách tiếp cận hướng tới góp phần đảm bảo an sinh xã hội. (Ảnh: Vietnam+)

Đầu tiên là cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo.

Đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau,” khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo.”

Tiếp đến chúng ta cần là rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026-2030, tiếp tục ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư để đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện; tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo.

Giải pháp thứ ba là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo.

Bốn là tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo. Theo đó, thực hiện hiệu quả việc lồng ghép việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn cả nước, nhất là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Năm là kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo. Các chính sách chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo, những người tham gia thực hiện các nội dung của chương trình để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ người dân nâng cao năng lực, không rơi vào tình trạng nghèo đói; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước cho các đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện các dự án của chương trình.

Giải pháp trọng tâm cuối cùng là tiếp tục tăng cường công tác giám sát, đánh giá; thanh tra, kiểm tra thực hiện chương trình tại các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Kiều (Vietnam+)