Giải thưởng Đối ngoại 2023: Bám sát dòng chảy thông tin sôi động
Theo Phó Tổng Giám đốc TTXVN Đoàn Thị Tuyết Nhung, các tác phẩm, sản phẩm tham dự Giải thưởng năm nay đã bám sát dòng chảy sôi động để phản ánh đa dạng và sinh động, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trải qua tám mùa giải, Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại ngày càng khẳng định được uy tín và chất lượng chuyên môn, đồng thời mở ra không gian sáng tạo cho đội ngũ những người làm công tác thông tin đối ngoại trong nước và ngoài nước. Năm nay, Thông tấn xã Việt Nam là Cơ quan Thường trực Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ IX.
Trước thềm Lễ trao Giải thưởng năm 2023, dự kiến diễn ra tối 12/10, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải thưởng, đã trả lời phỏng vấn báo chí nhằm đánh giá chất lượng các tác phẩm dự thi, chia sẻ những đổi mới trong công tác tổ chức để góp phần vào thành công của Giải thưởng năm nay.
- Xin bà đánh giá về số lượng, chất lượng các tác phẩm tham dự Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ IX?
Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung: Sau thời gian khá dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2023, các hoạt động chính trị, ngoại giao, văn hóa quan trọng của đất nước đã diễn ra hết sức sôi động, trở thành chất liệu quý để những người làm công tác thông tin đối ngoại cho ra đời những tác phẩm, sản phẩm chất lượng.
Có thể kể đến một số sự kiện nổi bật như: Chuyến thăm rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc; Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025; nhiều hoạt động đa dạng, phong phú kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris, 50 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước; các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và nhiều nước…
Các tác phẩm, sản phẩm tham dự Giải thưởng năm nay đã bám sát dòng chảy sôi động đó để phản ánh đa dạng và sinh động, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế.
Các tác phẩm, sản phẩm tập trung thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; những thành tựu của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, quyền con người; vẻ đẹp đất nước, con người, giá trị văn hóa Việt Nam; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về các vấn đề dân chủ, nhân quyền...
Ban Tổ chức đã nhận được 1.456 tác phẩm, sản phẩm dự thi, tăng 30% so với kỳ Giải thưởng trước.
Số lượng tác phẩm tăng thêm tập trung chủ yếu ở các hạng mục sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại (tăng 500%); báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng nước ngoài (tăng 28%); truyền hình (tăng 46%); ảnh (tăng 96%); video clip (tăng 46%). Điều đó cho thấy sức hút ngày càng lớn của Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại.
Nhìn chung, mặt bằng chất lượng các tác phẩm, sản phẩm tham dự Giải thưởng năm nay cao hơn so với trước. Chủ đề đa dạng, phong phú; cách thể hiện có nhiều sự đổi mới, hấp dẫn hơn. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, hồ sơ dự thi nghiêm túc, chỉn chu.
Nhiều tác phẩm cùng khai thác một chủ đề nhưng được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau, cho thấy sự tìm tòi, sáng tạo của các tác giả để mang đến những dấu ấn, nét đặc sắc riêng trong tác phẩm của mình. Một số chủ đề truyền thống được đặt dưới góc nhìn mới, chắt lọc được các chi tiết mang tính phát hiện.
Các tác phẩm, sản phẩm của người nước ngoài chủ yếu tập trung phân tích chính sách ngoại giao của Việt Nam; vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tình hình phát triển kinh tế-xã hội; hoạt động giao lưu nhân dân…, thể hiện sự hiểu biết, tình cảm sâu sắc dành cho đất nước, con người Việt Nam, góp phần tạo luồng thông tin tích cực của dư luận quốc tế về Việt Nam.
- Những điểm mới, đáng chú ý của các tác giả, tác phẩm tham dự Giải thưởng Thông tin Đối ngoại năm nay là gì, thưa bà?
Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung: Với vai trò là Cơ quan Thường trực của Giải thưởng lần thứ IX, trong quá trình thu nhận tác phẩm và tham gia các vòng chấm giải, chúng tôi nhận thấy dấu ấn nổi bật là các tác phẩm đã thể hiện rõ nét tư duy đổi mới, sáng tạo theo hướng hiện đại.
Các tác giả đã ứng dụng hiệu quả công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các phương tiện truyền thông mới, phương thức thể hiện đa dạng, độc đáo, hiện đại, phù hợp với nhu cầu, thói quen tiếp cận thông tin của nhiều đối tượng khác nhau, nhất là giới trẻ.
[Nâng cao tính hiệu quả và lan tỏa của thông tin đối ngoại]
Thành phần tác giả, nhóm tác giả tham gia dự thi khá đa dạng. Lực lượng báo chí truyền thông vẫn chiếm đa số, phản ánh qua số lượng lớn các tác phẩm thuộc thể loại báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh, ảnh.
Số lượng tác giả và nhóm tác giả là người nước ngoài tăng so với năm trước, với khoảng 30 người gửi tác phẩm dự thi, chủ yếu ở các hạng mục báo in và báo điện tử tiếng nước ngoài.
Các học giả quen thuộc như SD Pradhan và Rudroneel Ghosh tiếp tục gửi nhiều tác phẩm dự thi. Một số tác giả người nước ngoài dự thi ở hạng mục sách với các tác phẩm song ngữ và đa ngữ hoặc hạng mục video clip với các video ca nhạc bằng tiếng Uzbekistan và tiếng Anh.
Ngoài ra, Giải thưởng lần này còn thu hút sự tham gia rất tích cực, có trách nhiệm của các cơ quan báo chí địa phương, cơ quan nghiên cứu, tổ chức, cá nhân, giới nghệ sỹ, chuyên gia, học giả trong nước và ngoài nước... Điều đó cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của Giải thưởng không chỉ trong các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại mà thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
- Là Cơ quan Thường trực của Giải thưởng lần thứ IX, xin bà cho biết những đổi mới trong công tác tổ chức để góp phần vào thành công của Giải thưởng năm nay?
Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt nam Đoàn Thị Tuyết Nhung: Thông tấn xã Việt Nam vinh dự là đơn vị khởi xướng và đăng cai tổ chức Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần đầu tiên vào năm 2014, lần thứ hai vào năm 2018 và năm 2023, Thông tấn xã Việt Nam đảm nhiệm vai trò là Cơ quan Thường trực của Giải thưởng.
Qua mỗi mùa giải, công tác tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn, từ lễ phát động Giải thưởng đến công tác thu nhận tác phẩm, tổ chức chấm sơ khảo, chung khảo, lễ trao Giải...
Thông tấn xã Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin Đối ngoại triển khai các nội dung được phân công, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
Lễ Phát động Giải thưởng Thông tin Đối ngoại lần thứ IX diễn ra tháng 3/2023 tại Trụ sở Thông tấn xã Việt Nam ghi nhận nhiều đổi mới. Trong đó, sáng kiến xây dựng video clip với phụ đề bằng tiếng Anh, điểm lại những thành tựu nổi bật qua tám mùa giải và những kỳ vọng đối với mùa giải năm 2023, đã nhận được sự quan tâm của các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế.
Toàn bộ thông tin về Giải thưởng bao gồm: Thông cáo báo chí và thể lệ Giải thưởng bằng sáu ngữ (Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung, Tây Ban Nha) cùng video clip được gắn mã QR, tạo thuận lợi cho công tác truyền thông, quảng bá về Giải thưởng ở trong nước và quốc tế.
Nhân dịp này, Thông tấn xã Việt Nam còn tổ chức trưng bày, giới thiệu bộ ảnh “Ấm áp tình người tại tâm chấn động đất Thổ Nhĩ Kỳ” do nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện tại tỉnh Hatay - ‘thành phố ma,” sau trận động đất lịch sử tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 2/2023. Những hình ảnh ấn tượng, nhân văn truyền đi thông điệp “Thảm họa đi qua, tình người còn mãi” đã gây xúc động mạnh cho người xem.
Giải thưởng năm nay có số lượng tác phẩm, sản phẩm dự thi lớn nhất từ trước đến nay. Công tác thu nhận, phân loại tác phẩm được thực hiện bài bản, khoa học. Các tác phẩm, sản phẩm dự thi được tiếp nhận dưới nhiều hình thức: Nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, thông qua thư điện tử; trong đó nhiều tác phẩm được gửi từ nước ngoài.
Từ kinh nghiệm tổ chức Giải Báo chí Thông tấn xã Việt Nam thường niên, bộ phận tiếp nhận đã chủ động xây dựng hệ thống bảng nhập liệu chi tiết và khoa học, tác phẩm nhận đến đâu cập nhật ngay đến đó, đảm bảo việc phân chia tác phẩm theo từng thể loại, loại hình một cách chính xác. Vì thế, toàn bộ hồ sơ của 1.456 tác phẩm, sản phẩm dự thi được bàn giao đầy đủ, đúng tiến độ cho Ban Tổ chức.
Là cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam hiện có 15 đơn vị làm nhiệm vụ thông tin đối ngoại cùng đội ngũ phóng viên tại 30 cơ quan thường trú ngoài nước.
Ngoài việc tích cực tham gia Giải thưởng, các đơn vị cũng đã nỗ lực tuyên truyền, quảng bá Giải thưởng đến nhiều đối tượng ở trong và ngoài nước bằng nhiều ngôn ngữ, nhiều loại hình, trên nhiều nền tảng khác nhau, góp phần lan tỏa sức hút của Giải thưởng.
Thông tấn xã Việt Nam đã chia sẻ thông tin về Giải thưởng tới các hãng thông tấn, tổ chức báo chí nước ngoài là đối tác của Thông tấn xã Việt Nam. Một số phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài đã gửi bài dự thi như Yonhap (Hàn Quốc), Prensa Latina (Cuba)…
Có thể khẳng định rằng, những đổi mới nói trên trong công tác tổ chức là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ IX.
- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam./.