Giải thưởng “Công nghệ từ trái tim”: Phản ánh sinh động 'Cuộc sống Số'
Theo Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Giải thưởng mở ra không gian sáng tạo, khuyến khích các tác giả ghi lại những điều tuyệt vời mà công nghệ mang lại cho cuộc sống.
Giải thưởng “Công nghệ từ trái tim” đã đi được một nửa chặng đường và đang nhận được sự hưởng ứng, tham gia của nhiều tác giả là người Việt Nam trong nước và nước ngoài.
Đây là lần đầu tiên có một giải thưởng ảnh và video clip với chủ đề về công nghệ được tổ chức tại Việt Nam với tổng giá trị giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng, lớn nhất từ trước đến nay.
Đại diện đơn vị đồng tổ chức giải, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Thị Sự chia sẻ với độc giả Báo Điện tử VietnamPlus một số thông tin liên quan đến giải thưởng.
Tạo động lực phát triển đất nước
- Thưa Phó Tổng Giám đốc, xin bà chia sẻ về công tác tiếp nhận tác phẩm dự thi tới thời điểm hiện tại?
Nhà báo Nguyễn Thị Sự: Đến thời điểm này, Ban Tổ chức đã nhận được khoảng 100 tác phẩm dự thi, gửi trực tiếp qua phần "Đăng ký dự thi" trên website https://congnghetutraitim.com.
Các tác phẩm ảnh đơn và ảnh đôi khá phong phú, sinh động, phản ánh sự hiện diện của công nghệ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, với mọi đối tượng chủ thể, từ thanh niên, phụ nữ, người già, em nhỏ, đồng bào dân tộc, tôn giáo…
Tuy nhiên, còn thiếu vắng các tác phẩm video clip gửi dự thi. Ban Tổ chức mong muốn sẽ nhận được nhiều tác phẩm dự thi hơn nữa trong thời gian tới, bao gồm cả hai thể loại ảnh và video clip, với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, bám sát chủ đề, giàu tính sáng tạo và tạo ấn tượng với người xem.
Tác phẩm dự thi không vi phạm thuần phong mỹ tục; không chứa nội dung tiêu cực về chính trị, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa; không vi phạm về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan và các quy định pháp luật. Mỗi tác giả có quyền gửi không hạn chế tác phẩm tham dự giải. Tất cả các tác phẩm dự thi không giới hạn thời gian thực hiện.
- Thông tấn xã Việt Nam đang tận dụng thế mạnh của các cơ quan thường trú trong và ngoài nước để quảng bá và lan tỏa ý nghĩa của giải thưởng này như thế nào, thưa bà?
Nhà báo Nguyễn Thị Sự: Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của đất nước, với 5 ban biên tập, 2 trung tâm thông tin nguồn, 8 tòa soạn báo in và báo điện tử, hệ thống 63 cơ quan thường trú ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và 30 cơ quan thường trú ở ngoài nước, thực hiện và cung cấp thông tin bằng các loại hình cho hệ thống báo chí, truyền thông và đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Với sự hiện diện của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trên khắp các địa bàn, bên cạnh việc quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ thông tin về giải thưởng, đội ngũ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cũng sẽ tích cực dự thi.
Ban Tổ chức mong muốn nhận được sự đồng hành, hưởng ứng của các nhà báo, phóng viên cùng đông đảo người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước, để Giải thưởng “Công nghệ từ trái tim” thành công tốt đẹp, đạt hiệu quả thiết thực và mang đậm ý nghĩa nhân văn, góp phần tạo thêm động lực cho sự phát triển đất nước, để cuộc sống con người ngày càng hạnh phúc hơn, tương lai tốt đẹp hơn.
Tôn vinh những đóng góp của công nghệ
- Trên thực tế, lĩnh vực công nghệ cùng các khái niệm Xã hội Số, an ninh mạng… cũng như chủ đề chung của giải thưởng “Công nghệ từ trái tim” được đánh giá là rất khó để có thể thể hiện dưới hình thức ảnh và video. Bà có thể gợi ý một số đề tài và cách thể hiện cho các tác giả tham dự cuộc thi không?
Nhà báo Nguyễn Thị Sự: Ban Tổ chức lựa chọn chủ đề “Công nghệ từ trái tim” nhằm nhấn mạnh giá trị nhân văn, tôn vinh những đóng góp quan trọng của công nghệ, lan tỏa những hình ảnh đẹp, truyền tải những thông điệp ý nghĩa mà công nghệ mang lại cho cuộc sống, trong đó con người là trung tâm, là giá trị cốt lõi mà mọi sản phẩm công nghệ hướng tới. Mọi người dân đều có quyền và cơ hội tiếp cận công nghệ. Công nghệ làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn và góp phần để không ai bị bỏ lại phía sau.
Công nghệ có thể tạo nên những cải biến mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, tác động tới mọi lĩnh vực, ngành nghề, mọi hoạt động xã hội, và công nghệ cũng hiện diện ở xung quanh chúng ta, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân, thông qua những thiết bị cụ thể, gần gũi như điện thoại, máy tính, các thiết bị gia đình...
Có rất nhiều sản phẩm công nghệ được ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, nếu được lan tỏa rộng rãi thông qua những hình ảnh sinh động, sẽ giúp mọi người nhận thức rõ hơn về vai trò và những hiệu quả thiết thực, to lớn mà công nghệ mang lại.
Mỗi sản phẩm công nghệ và việc ứng dụng nó vào đời sống đều có thể trở thành đề tài khơi nguồn sáng tác nên những bức ảnh đẹp và ý nghĩa, những video clip có chất lượng tốt.
Đó có thể là việc ứng dụng công nghệ trong triển khai Chính phủ Số, xây dựng đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ công, giải quyết các vấn đề về quản lý, phát triển xã hội trên Môi trường Số; phát triển Kinh tế Số, Tài chính Số, Giao thông Số, Chuyển đổi Số doanh nghiệp; hay Y tế Số, Giáo dục Số, Truyền thông Số, Bảo hiểm xã hội Số… để cuộc sống của con người trở nên tiện ích hơn, hạnh phúc hơn; hoặc vấn đề bảo đảm an ninh mạng, cảnh báo và phòng, chống tội phạm mạng… để người dân sống và làm việc an toàn hơn trên Môi trường Số.
Lấy con người là trung tâm, là mục tiêu hướng tới của mọi sản phẩm công nghệ; phát triển công nghệ là để phục vụ lợi ích quốc gia-dân tộc, phục vụ sự phát triển của đất nước, phục vụ con người, chúng ta có thể sẽ phát hiện ra rất nhiều đề tài, khía cạnh của công nghệ ở ngay xung quanh chúng ta, rất gần gũi, thiết thân, khơi nguồn nguồn cảm hứng cho những tác phẩm tốt và hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí của giải thưởng.
- Xin trân trọng cảm ơn bà./.