Giải quyết các đề xuất của Hà Nội đảm bảo khả thi, hiệu quả, đúng hạn
Theo Thủ tướng, Hà Nội phải huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó thực hiện các mô hình “lãnh đạo công, quản trị tư,” “đầu tư công, quản lý tư,” “đầu tư tư, sử dụng công.”
Sáng 6/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2023 và kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố; đặc biệt, xử lý những kiến nghị và trao đổi tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thủ đô.
Dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các bộ trưởng, thủ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Đột phá về thu hút FDI
Báo cáo của Thành ủy Hà Nội cho biết trong bối cảnh tình hình khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân thành phố, tình hình kinh tế-xã hội của thủ đô đạt kết quả toàn diện, khá nổi bật.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1 tăng 5,8%, bình quân 2 năm 2021-2022 tăng 5,86%. Sản xuất tiếp tục phát triển; kinh doanh dịch vụ phục hồi khá.
Trong 4 tháng năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố gần 178 nghìn tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 21,6% so với cùng kỳ.
Trong 4 tháng, Hà Nội thu hút 1,71 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng trưởng đột phá 260% so với cùng kỳ, đứng đầu toàn quốc. Hiện Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI với trên 7.000 dự án còn hiệu lực và vốn đầu tư 61,7 tỷ USD.
Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; kỷ cương hành chính được củng cố; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển thủ đô.
Hà Nội đã có sự bứt phá ngoạn mục, vươn lên xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số PAR Index 2022. Cùng với đó, an sinh xã hội được đảm bảo; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách, người nghèo. Giá trị văn hóa và con người Hà Nội được quan tâm, đầu tư, phát huy...
[Đưa 29 làng nghề ở Hà Nội ra khỏi danh sách làng nghề truyền thống]
Thành phố đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành 4 nội dung với 31 kiến nghị cụ thể, trong đó 17 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, 14 kiến nghị thuộc các Bộ.
Các kiến nghị, đề xuất liên quan dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô; chủ trương đầu tư và điều chỉnh xây dựng một số tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhất là tỷ lệ nhà ở thương mại trong dự án nhà ở xã hội; quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước; cho phép thành phố chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là đất lúa; sử dụng Quỹ phát triển đất để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch…
Tại buổi làm việc, các Phó Phủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương thảo luận, phân tích, đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố thời gian qua; rà soát việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các cơ chế, chính sách dành cho thành phố; kiểm điểm sự phối hợp giữa thành phố với các bộ, ngành Trung ương; đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong thời gian tới; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của thành phố Hà Nội.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, bởi Hà Nội là thủ đô, trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, an ninh, quốc phòng, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo… của cả nước.
Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng, trong đó Hà Nội là trung tâm, động lực của cả vùng và Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hiện nay, thành phố và các bộ, ngành đang tập trung xây dựng Luật Thủ đô có tính chất tổng quát, bao trùm, toàn diện, có tính khả thi và hiệu quả cao để xây dựng thủ đô "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại."
Đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội của thành phố thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện khá toàn diện các mặt công tác; đạt được những kết quả khá tích cực, một số mặt nổi bật.
Trong đó, thành phố đã thực hiện tốt các Nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ cụ thể; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh; quyết liệt thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô; triển khai bài bản, quyết liệt, hoàn thành tốt mục tiêu kép, phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng và quản lý đô thị được tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, nhất là hạ tầng giao thông...
Các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội được quan tâm; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định; tích cực, chủ động trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hà Nội, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.
“Hà Nội đã góp phần cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị; đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; thúc đẩy hội nhập; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố, đóng góp vào ngân sách Nhà nước ngày càng lớn hơn,” Thủ tướng khẳng định.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức mà thành phố cần vượt qua như tăng trưởng vẫn chưa cao; kết quả thực hiện đầu tư công còn hạn chế; công tác quy hoạch xây dựng, triển khai chậm; huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động còn hạn chế; các giá trị văn hóa làng nghề có nguy cơ mai một; kỷ luật, kỷ cương hành chính chuyển biến còn chậm; an ninh trật tự, quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy cần nâng cao hiệu quả hơn…
Thực hiện tối đa cơ chế, chính sách dành cho thủ đô
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trên cơ sở phân tích tình hình, quán triệt quan điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành phố Hà Nội tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng; Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2023, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.
Theo Thủ tướng, Hà Nội phải nắm bắt tình hình, vận dụng sáng tạo vào tình hình thành phố và cả nước; khẩn trương hoàn thành Quy hoạch thành phố và các quy hoạch liên quan; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề gần đây, trong đó khắc phục các yếu kém của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; thực hiện miễn giảm thuế, phí, lệ phí; cơ cấu lại, giãn hoãn nợ, nhóm nợ; tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân.
Đặc biệt, Hà Nội phải huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hợp tác công tư, trong đó thực hiện các mô hình “lãnh đạo công, quản trị tư,” “đầu tư công, quản lý tư,” “đầu tư tư, sử dụng công.”
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp hướng đến những ngành nghề có ưu thế, tiềm năng dựa trên đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển công nghiệp phụ trợ; ưu tiên đầu tư dịch vụ có giá trị gia tăng và tính liên kết ngành cao như tài chính, logistics, thương mại điện tử…; chuyển đổi, hình thành các xây dựng khu công nghiệp xanh, sinh thái, thông minh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo thành phố Hà Nội phải tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến và bảo vệ môi trường; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm; tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực; chăm sóc, đảm bảo sức khỏe nhân dân.
Cùng với đó, Hà Nội phải tăng cường bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu.
“Hà Nội phải đẩy mạnh và phát huy tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước, của nhân dân; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành,” Thủ tướng nhắc nhở.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí xem xét, giải quyết; đồng thời giao các bộ, ngành liên quan phối hợp, hướng dẫn thành phố thực hiện theo quy định và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.
“Các Bộ trưởng chịu trách nhiệm phối hợp với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội rà soát lại các vấn đề, nhiệm vụ và xử lý, giải quyết theo thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo, đề xuất phương án, giải pháp xử lý để Chính phủ xem xét, quyết định; việc xử lý, giải quyết các nội dung phải đảm bảo khả thi, hiệu quả, kịp thời, đúng hạn,” Thủ tướng nhấn mạnh./.