Giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành năng lượng?
Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (giai đoạn 2021-2025) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo Quyết định 345/QĐ-TTg là 479.000 tỷ đồng.
Căng thẳng nguồn cung ứng điện, nhất là trong thời gian cao điểm mùa khô đã và đang là thực tế trong thời gian vừa qua. Theo các chuyên gia, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện, lưới điện và các dự án cung cấp nhiên liệu, năng lượng sơ cấp, năng lượng tái tạo tại Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch các lĩnh vực dầu khí, than, khoáng sản… là giải pháp để đảm bảo nguồn cung ứng điện cả trước mắt lẫn dài hạn. Muốn vậy, phải khơi thông được những ách tắc, khó khăn đang tồn tại ngay cả với các dự án năng lượng trọng điểm, cấp bách.
Nhu cầu đầu tư lớn
Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng và tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Vì thế, cùng với Kế hoạch triển khai Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8), ngày 2/4/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 270/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.
Quyết định này nhấn mạnh tới 5 dự án thủy điện có quy mô từ 200 MW đến 1.200 MW được triển khai, đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2030 (gồm 03 dự án mở rộng và 02 dự án thủy điện tích năng) có tổng công suất 3.440 MW).
Ngày 26/4/2024, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành quyết định số 345/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm - giai đoạn 2021-2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, EVN phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2021- 2025 khoảng 7%/năm (tăng trưởng điện thương phẩm các năm 2022-2025 khoảng 7,82%/năm) và chuẩn bị phương án để có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm cao hơn.
Quyết định 345 cũng chỉ rõ các dự án phát triển nguồn điện EVN phải khởi công và đưa vào vận hành trong giai đoạn này. Có thể, kể đến như việc khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất khoảng 3.800MW, trong đó phải đưa vào vận hành 4 dự án - với công suất khoảng 1.000MW (khởi công gồm 3.643 MW và 150 MWp: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, thủy điện Ialy mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An mở rộng, thủy điện tích năng Bác Ái và điện Mặt Trời Phước Thái 2, 3; Đưa vào vận hành 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 840 MW và 150 MWp là Thủy điện Hòa Bình mở rộng, thủy điện Ialy mở rộng và điện Mặt Trời Phước Thái 2, 3)…
Trong lĩnh vực đầu tư phát triển lưới điện, giai đoạn 2021-2025 EVN phải hoàn thành, đưa vào vận hành 225 công trình lưới điện truyền tải 500-220 kV với tổng chiều dài khoảng 10.500 km, trong đó tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành công trình trọng điểm đường dây 500 kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) trong năm 2024…
Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (giai đoạn 2021-2025) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo Quyết định 345/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 479.000 tỷ đồng.
Tại toạ đàm “Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành năng lượng” mới đây, ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết về sự đa dạng trong phát triển các dự án nguồn điện, lưới điện, từ quy mô công suất, loại hình… mỗi dự án đều có những khó khăn nhất định, trong đó, nổi cộm vẫn là liên quan đến các thủ tục pháp lý và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đơn cử, do việc quản lý đất đai trải qua rất nhiều thay đổi, vì vậy phát sinh những mâu thuẫn và có sự khác biệt. Thậm chí, việc quản lý đất đai rất là phức tạp và đâu đó có sự lỏng lẻo, nên khi đền bù giải phóng thì thời gian để xác định nguồn gốc đất, xác định chủ đất là hết sức phức tạp, kéo dài…
Từ thực tế của một số công trình, dự án năng lượng trọng điểm, cấp bách như Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối đã không gặp quá nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đại diện EVN nhấn mạnh tới sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó, trực tiếp là chính quyền địa phương các cấp.
Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ
Để đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành năng lượng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp duy trì liên tục, ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng năng lượng của đất nước. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển các dự án năng lượng trong nước giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ bên ngoài, tránh được những rủi ro từ biến động giá cả và tình hình chính trị quốc tế, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước trong thời gian tới.
Là đơn vị đầu tư trải dài trong tất cả các lĩnh vực của ngành năng lượng, từ việc thăm dò, khai thác, phát triển các mỏ dầu, khí; làm các nhà máy nhiệt điện khí, nhiệt điện than… mỗi dự án đều có những khó khăn riêng. Nhưng bài học lớn nhất đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) để thành công vẫn là có được sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Dẫn chứng từ việc đưa nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động là thực tế, ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Điện và Năng lượng tái tạo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, mục tiêu là Tập đoàn đề ra đó là “một đội ngũ, một mục tiêu”… không phân biệt giữa chủ đầu tư, nhà thầu và đặt lợi ích chung đó là của đất nước, do đó các khó khăn đều được giải quyết…
Từ thực tế triển khai các dự án năng lượng trọng điểm thời gian qua, đại diện các cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương nhấn mạnh đến sự điều hành, chỉ đạo sát sao, xuyên suốt từ cấp Trung ương đến Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương và chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.
Cùng với đó là các giải pháp hoàn thiện cơ chế, thể chế chính sách, nhất là đối với các dự án điện khí LNG - là nguồn điện rất quan trọng được xác định trong Quy hoạch điện 8, đóng góp vai trò rất lớn trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Đoàn Ngọc Dương Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng nhiều dự án lên tới hàng tỷ USD phải huy động nguồn vốn đầu tư quốc tế, để có thể phát triển, triển khai thì những yêu cầu đảm bảo về đầu tư, về khả năng tài chính là những yêu cầu và có tính chất quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề như bao tiêu sản lượng điện, bao tiêu sản lượng khí, chuyển ngang giá khí, rồi vấn đề liên quan đến trách nhiệm thanh toán của EVN hoặc về bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ… thì nhiều nội dung vẫn chưa được quy định trong pháp luật.
Vì vậy, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn và cũng dự kiến đề xuất theo hướng sẽ có cơ chế để đảm bảo được phần cơ bản khả năng liên quan đến vấn đề phát triển dự án chuỗi cung cấp khí và thứ 2 là phần nhà máy điện để có thể đảm bảo khả năng tài chính, trên cơ sở tiếp tục yêu cầu các nhà đầu tư là phải có những giải pháp phù hợp để đồng bộ với quy định của pháp luật Việt Nam, để sao cho những đề xuất, giải pháp vừa có tính khả thi và vừa có thể triển khai được trên thực tế tránh những vướng mắc sau này…
Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Võ Trí Thành cũng cho rằng để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án năng lượng trọng điểm rất cần sự đột phá về cách thể hiện, đột phá về cơ chế chính sách... cùng đó là sự chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà quản lý cũng đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của các doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào các dự án năng lượng tại Việt Nam. Kể cả các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm quốc tế lớn cũng cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hệ thống pháp luật của Việt Nam, nhất là những hệ thống về kỹ thuật và kinh tế liên quan đến quá trình đầu tư, triển khai dự án và vận hành… Và đặc biệt là phải quán triệt quan điểm “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”../.