Giải mã nguyên nhân dẫn tới đợt bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ

Lợi suất trái phiếu chính phủ ban đầu đã giảm sau thông báo của ông Trump khi các nhà đầu tư lo ngại bán tháo cổ phiếu để tìm nơi ẩn náu trong những gì được coi là tài sản trú ẩn an toàn.

Câu hỏi về việc ai đứng sau đợt bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ sau thông báo về "thuế quan có đi có lại" của Tổng thống Donald Trump vào ngày 2/4 vẫn tiếp tục làm sôi động các nhà đầu tư trên thị trường, với những quỹ đầu cơ đặt cược vào thị trường trái phiếu nổi lên như các "nghi phạm" tiềm năng.

Lợi suất trái phiếu chính phủ ban đầu đã giảm sau thông báo của ông Trump khi các nhà đầu tư lo ngại bán tháo cổ phiếu để tìm nơi ẩn náu trong những gì theo truyền thống được coi là tài sản trú ẩn an toàn.

Tuy vậy, lợi suất trái phiếu chính phủ bắt đầu tăng lên ngay sau khi bất ngờ bán tháo tài sản.

Đối mặt với tình hình hỗn loạn của thị trường, chính quyền Tổng thống Trump đã tạm hoãn áp dụng hầu hết các mức thuế quan vào ngày 9/4 trong một sự thay đổi đáng kinh ngạc.

Lợi suất trái phiếu đã giảm trở lại kể từ đó. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa phục hồi trở lại mức trước cú sốc thuế quan.

Vậy thủ phạm thực sự là ai? Những người theo dõi thị trường nghi ngờ rằng các quỹ đầu cơ đang hủy bỏ những giao dịch cơ sở đòn bẩy của họ, nơi họ mua trái phiếu và bán các hợp đồng tương lai liên quan để kiếm lợi từ sự chênh lệch giá của chúng.

Các quỹ đầu cơ được cho là đã đặt cược khoảng 1.000 tỷ yen (7,02 tỷ USD) vào những khoản này.

Việc hủy bỏ nhanh chóng các giao dịch cơ sở đã làm đảo lộn thị trường vào năm 2020, vào giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19.

Trong một ấn phẩm vào ngày 1/4, chi nhánh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại New York cũng đã cảnh báo về những rủi ro mà các giao dịch này gây ra với thị trường trái phiếu.

Thế nhưng "dựa trên nhiều chỉ số và phân tích khác nhau, không có khả năng sự gia tăng gần đây về lợi suất là do các nhà đầu tư hủy bỏ các giao dịch cơ sở của họ," chuyên gia Hidehiro Joke của ngân hàng đầu tư Mizuho Securities nhận định.

Gần đây, các ngân hàng và công ty môi giới ngày càng không muốn nắm giữ trái phiếu chính phủ. Có lo ngại rằng Mỹ sẽ phát hành thêm trái phiếu để trang trải chi tiêu và các quy định quản lý chặt chẽ hơn đã khiến công cụ này trở nên kém hấp dẫn hơn.

Sau đó, ông Trump, người ủng hộ việc bãi bỏ quy định, đã trở lại Nhà Trắng, thúc đẩy các cuộc thảo luận về việc nới lỏng yêu cầu về vốn đối với những ngân hàng được gọi là tỷ lệ đòn bẩy bổ sung (SLR) -- một bước giúp các bên cho vay dễ dàng tích lũy trái phiếu chính phủ hơn.

Các quỹ đầu cơ đặt cược rằng điều này sẽ đẩy giá trái phiếu chính phủ lên. Nhưng chính sách của ông Trump thực sự đã gây ra sự tháo chạy của thị trường chứng khoán.

Khi những khoản cược vào trái phiếu chính phủ phản tác dụng, các quỹ đã bán những tài sản nắm giữ để cắt lỗ.

Cơn hoảng loạn dường như đã qua. Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ đã đề cập đến khả năng nới lỏng các quy tắc SLR, làm dấy lên hy vọng về sự cải thiện trong cán cân cung-cầu trên thị trường trái phiếu.

Thế nhưng "các vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết," Naka Matsuzawa, chiến lược gia trưởng tại công ty chứng khoán Nomura Securities, phân tích.

Việc bán tháo thị trường trái phiếu đã khiến Tổng thống Trump tạm dừng áp dụng thuế quan trong 90 ngày.

Ngay cả khi Mỹ nới lỏng các quy tắc về vốn cho những bên cho vay, mục đích thực sự của họ vẫn là đàm phán các thỏa thuận với từng quốc gia, chứ không phải để ổn định thị trường. Thị trường trái phiếu có thể sẽ tiếp tục hỗn loạn./.