Giải Báo chí QG: VietnamPlus đạt Giải A với loạt bài về môi trường

Nhóm phóng viên đã đi thực tế tại một loạt khu vực điểm nóng về môi trường để tìm hiểu, ghi nhận thực trạng, từ đó đưa ra hồi chuông cảnh báo, góp phần hạn chế các sự cố môi trường trong tương lai.

Với loạt bài đưa ra các cảnh báo về ô nhiễm môi trường, Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) đã được trao Giải A ở thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử) tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII-năm 2022.

Lễ trao giải diễn ra trọng thể tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội vào tối 21/6, nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).

Thông tin nhanh, toàn diện

Với tinh thần nghiêm túc, khách quan, trách nhiệm cao, Hội đồng chấm giải năm nay đã trao 8 Giải A, 24 Giải B, 46 Giải C, 45 Giải Khuyến khích cho những tác phẩm xuất sắc nhất theo 11 thể loại.

Theo đánh giá của ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia, các tác phẩm năm nay đã thông tin nhanh, trúng và toàn diện mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, ở trong nước và cả quốc tế đồng thời cũng là diễn đàn rộng lớn và tin cậy của nhân dân.

“Báo chí cũng cho thấy sự đổi mới sáng tạo trong phương thức thể hiện, đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội. Ngoài ra, báo chí đã thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm xã hội cao cả, kỹ năng nghề nghiệp tinh thông, tạo được hiệu quả xã hội rộng khắp,” ông Lê Quốc Minh cho biết.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại lễ trao giải. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ sự vui mừng nhận thấy Giải thưởng Báo chí Quốc gia ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng.

Chủ tịch nước đánh giá cao các tác phẩm đạt giải năm 2022 đã tiếp tục khẳng định tính cách mạng, tính khoa học, sự nhạy bén, sức sáng tạo, lý tưởng nghề nghiệp cao đẹp và sự dấn thân không mệt mỏi của các nhà báo.

“Các tác phẩm báo chí đã có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn công chúng, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Nhiều tác phẩm báo chí mang tính phát hiện, tính chiến đấu cao, sắc bén, phản biện khoa học, đề xuất giải pháp thiết thực, thông tin tích cực, có sức lan tỏa, lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong xã hội,” Chủ tịch nước phát biểu.

Chủ tịch nước đưa ra 6 đề nghị với các cơ quan báo chí và những người làm báo. Trước hết là phải ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, với bạn đọc, về sứ mệnh mà mình gánh vác.

Thứ hai, đội ngũ những người làm báo tiếp tục thể hiện bản lĩnh, dấn thân, đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới, vấn đề khó của đất nước, bám sát thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phản ánh kịp thời, sinh động những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ ba, báo chí phải là ngọn cờ đầu, kết nối và huy động các nguồn lực, bao gồm trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và cảm hứng năng động, sáng tạo, cống hiến của toàn dân; nuôi dưỡng, khơi gợi, khích lệ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc; xây đắp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.

Các tác giả nhận Giải A. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Thứ tư, Chủ tịch nước đề nghị báo chí kiên quyết đấu tranh góp phần loại bỏ những gì còn cản trở, kìm hãm, gây hại cho tiến trình phát triển của đất nước.

Thứ năm, báo chí xác định là một bộ phận cấu thành của văn hóa, là lực lượng đi đầu trong xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam..

Thứ sáu, trước xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng thông tin khác và những biến đổi hành vi tiếp nhận thông tin của công chúng, mỗi người làm báo phải không ngừng tự học, tự nghiên cứu, chủ động hội nhập quốc tế, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, hành nghề chuyên nghiệp, cung cấp thông tin chất lượng, tin cậy, thuyết phục trên nền tảng truyền thống và nhất là nền tảng công nghệ số.

Thông tấn xã Việt Nam giành 6 giải thưởng

Tại lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII-năm 2022, Báo Điện tử VietnamPlus, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam đã được trao Giải A cho loạt 5 bài “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế” của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng, Phạm Thanh Trà, Nguyễn Hoài Nam, Hoàng Tiến Đạt.

Theo quan sát của nhóm phóng viên, thảm hoạ môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do nhà máy Formosa Hà Tĩnh gây ra hồi tháng 4/2016 và hàng loạt sự cố môi trường khác đã để lại hậu quả khốc liệt.

Nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tác nghiệp trong quá trình thực hiện loạt bài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhận thấy “bức tranh môi trường” đầy rẫy những gam màu ô nhiễm, với ngòi bút trách nhiệm, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã đi thực tế tại một loạt khu vực điểm nóng về môi trường trên cả nước để tìm hiểu, ghi nhận thực trạng, từ đó đưa ra hồi chuông cảnh báo để góp phần hạn chế các sự cố môi trường tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

[Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế]

Trên cơ sở thông tin phóng viên ghi nhận được trong 5 năm đi thực tế tìm hiểu, cùng ý kiến của lãnh đạo các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương, các đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia môi trường, cuối tháng 12/2022, Báo Điện tử VietnamPlus đã xây dựng loạt bài viết “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế.”

Loạt bài nhấn mạnh đã đến lúc cần phải có một “cuộc cách mạng xanh” bền vững hơn cho tương lai của người Việt.

Theo nhà báo Võ Mạnh Hùng, đáng mừng là ngay sau khi loạt bài đăng phát, nhiều địa phương trên cả nước đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, trên cơ sở đó đã ban hành hàng loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp “rút ruột” tài nguyên, “phá” môi trường, đồng thời truy thu số tiền khai thác khoáng sản bất hợp pháp lên tới hàng tỷ đồng và yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục vi phạm.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ đây là loạt bài mà nhóm tác giả đã dành rất nhiều tâm sức, tốn thời gian, buồn và lo lắng nhất. Trong quá trình triển khai loạt bài, nhóm phóng viên phải đi điều tra, tìm hiểu thực tế tại hơn 20 tỉnh, thành phố. Để có thông tin, nhóm phóng viên đã phải nhập rất nhiều vai khác nhau, lúc xin làm công nhân tại khu công nghiệp/nhà máy, phu đá; lúc trong vai người đi mua quặng, than; khi là sinh viên nghiên cứu địa chất... để tạo được niềm tin của các ông chủ doanh nghiệp, hay chủ mỏ khoáng sản… Có nơi, khi mới nhắc đến hay dò hỏi, các phóng viên đã nhận được những lời cảnh báo có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu bị phát hiện…

Ngoài loạt bài nói trên, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam đã giành được 5 giải thưởng khác ở các thể loại. Cụ thể:

Ở thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in), loạt 4 bài “Xây dựng những vùng biển hòa bình” của nhóm tác giả Trần Thanh Bình, Trần Phương Hà, Nguyễn Thị Tố Uyên, Nguyễn Thị Thúy, Trần Mạnh Hùng; Ban biên tập tin Thế giới và các cơ quan thường trú tại Geneva, Singapore và Berlin, giành Giải C.

Ở thể loại Xã luận, Bình luận, Chuyên luận (Báo in), loạt 3 bài “Nhốt quyền lực đen trong lồng thể chế” của tác giả Nguyễn Quốc Huy; Ban biên tập tin Kinh tế, giành Giải Khuyến khích.

Ở thể loại Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh, tác phẩm: “Vàng tặc tàn phá rừng phòng hộ ở Lai Châu” của nhóm tác giả Nguyễn Văn, Trần Văn Hoàng, Đinh Thị Thùy; Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Lai Châu,, giành Giải B.

Ở thể loại Bình luận, giao lưu, tọa đàm (Truyền hình), loạt 5 bài “Đối thoại Hà Nội: Quy hoạch ngược” của nhóm tác giả Ngô Thị Thu Lan, Nguyễn Thị Xuân Hương, Nguyễn Văn Thành, Hà Văn Quỳnh, Nguyễn Đình Quý; Trung tâm Truyền hình Thông tấn, giành Giải C.

Ở thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử), loạt 5 bài “Cột mốc chủ quyền biển đảo trong trái tim kiều bào” của tác giả Trương Thị Diệp; Ban Biên tập Tin trong nước, giành Giải Khuyến khích./.

Minh Thu (Vietnam+)