Giá tôm thương phẩm thu mua tại ao tăng, người nuôi tôm lãi khá
Với giá tôm như hiện nay, những nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao có lợi nhuận lớn, nhờ năng suất đạt đến 50-55 tấn/ha.
Giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm ở thị trường tỉnh Trà Vinh đã tăng thêm 14.000-19.000 đồng/kg trong hơn tuần nay.
Với giá tôm này, nông dân nuôi tôm vùng nước mặn, lợ có lãi từ 20.000-31.000 đồng/kg (tùy loại).
Ông Nguyễn Văn Thẩm, ở xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành, người chuyên thu mua tôm thẻ chân trắng thương phẩm, cho biết từ cuối tháng 8/2024 đến nay, giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm được mua tại ao đã cao so với tuần trước đó.
Cụ thể, tôm sú loại 30 con/kg có giá từ 150.000 đồng, tăng 19.000 đồng/kg; loại 40 con/kg có giá 130.000/kg, tăng 14.000 đồng/kg; loại 50 con/kg giá thu mua 110.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg. Đây là mức giá tôm thẻ chân trắng tăng cao nhất trong vòng 3 tháng qua.
Ông Lê Văn Lắm, ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết gia đình vừa thu hoạch 0,3ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh.
Nhờ vụ nuôi tôm này thuận lợi, tôm lớn khá đồng đều, đạt kích cỡ 45 con/kg, thương lái thu mua tại ao với giá 115.000 đồng/kg, trừ các chi phí ông có lãi bình quân 15.000 đồng/kg.
Theo ông Lắm, với giá tôm như hiện nay, những nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao có lợi nhuận lớn, nhờ năng suất đạt đến 50-55 tấn/ha.
Cụ thể, nông dân nuôi tôm thẻ thời gian nuôi từ 5 tháng trở lên đạt kích cỡ 30 con/kg, bán với giá 150.000 đồng/kg như hiện tại sẽ có lãi khoảng 20.000-30.000 đồng/kg tôm thương phẩm.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, tính đến cuối tháng 8/2024, nông dân vùng ven biển trong tỉnh đã thả nuôi 1,12 tỷ con tôm sú, diện tích hơn 23.150ha và 4,47 tỷ con tôm thẻ chân trắng, diện tích 6.546ha.
Tổng sản lượng tôm nuôi đã thu hoạch đến nay được hơn 73.300 tấn đạt hơn 80 % kế hoạch năm.
Theo ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh, ngành nông nghiệp tỉnh luôn khuyến cáo nông dân ở các huyện ven biển trong tỉnh không có điều kiện nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nên chọn giải pháp nuôi tôm rải vụ để hạn chế mức thấp nhất rủi ro thiệt hại do biến đổi thời tiết, môi trường nước diễn biến xấu.
Việc nuôi tôm rải vụ giúp nông dân tránh được tình trạng thu hoạch tập trung, sản lượng tôm thương phẩm nhiều dễ bị rớt giá do cung vượt cầu.
Nông dân nên nuôi tôm 2 vụ trong năm, thời gian còn lại trong năm nên chuyển sang một số loại thủy sản khác như cua biển, một số loại cá sống môi trường nước mặn, lợ có giá trị kinh tế cao như cá chẽm, cá đối, cá chốt... để tăng thu nhập./.