Gia Lai: Phát triển vùng nguyên liệu càphê và du lịch nông nghiệp
Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý việc xây dựng vùng nguyên liệu càphê cần chú trọng đến sự phát triển bền vững; đối với du lịch nông nghiệp cần có chính sách hỗ trợ phù hợp với từng địa phương.
Ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã có buổi gặp gỡ, tọa đàm cùng các doanh nghiệp, nhóm trẻ khởi nghiệp về chủ đề xây dựng vùng nguyên liệu càphê và du lịch nông nghiệp nhân Tuần lễ Văn hóa Du lịch Gia Lai 2023.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai Trương Hải Long nhận định, Gia Lai đang phát huy có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó có càphê.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch nông nghiệp cũng là lĩnh vực mà tỉnh đang chú trọng xây dựng và phát triển.
Ông Trương Hải Long cho rằng buổi tọa đàm có sự tham dự của khá nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và các bạn trẻ đang khởi nghiệp, đây là cơ hội để các đại biểu bày tỏ nguyện vọng, nêu những ý tưởng sáng tạo để xây dựng vùng nguyên liệu càphê và du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Gia Lai có hơn 98.000ha càphê, phần lớn đang ở giai đoạn kinh doanh, tổng sản lượng đạt gần 300.000 tấn mỗi năm.
Tại tỉnh cũng có trên 46.000ha càphê được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, 4C, Organic, UTZ, Rain Forest.
Về chế biến, tỉnh có hơn 90 nhà máy, cơ sở chế biến với nhiều thương hiệu nổi tiếng như L’amant, Thu Hà, Thanh Thủy, Thảo Hiên... xuất khẩu hàng năm đạt khoảng gần 490 triệu USD/năm và có xu hướng tăng cao qua các năm. Cùng với đó là hàng trăm doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp, chế biến càphê.
Nhận định được tiềm năng gia tăng giá trị của ngành hàng càphê, đầu 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai thành lập Ban chỉ đạo Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2025.
[Mật ong hoa càphê Gia Lai được cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu]
Tỉnh Gia Lai hỗ trợ các hợp tác xã, nhóm hộ, nhà sản xuất, chế biến càphê nhiều mặt; xây dựng những nền tảng về cơ sở vật chất để phát triển bền vững ngành hàng trong tương lai.
Càphê Gia Lai đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, Gia Lai cũng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp khi tự hào là 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên có Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại; có Khu Dự trữ Sinh quyển Rhế giới Cao Nguyên Kon Hà Nừng, là 1 trong 11 Khu dự trữ sinh quyển của cả nước và thứ 2 của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Tham gia tọa đàm, nhiều doanh nhân trẻ bày tỏ băn khoăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu càphê kết hợp du lịch nông nghiệp. Đây là lĩnh vực mới, nên cần có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng; hỗ trợ vốn vay, hạ lãi suất; tạo nhiều sân chơi cho doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất càphê để định vị thương hiệu càphê Gia Lai.
Anh Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Học viện Cafe Việt Nam VCA cho biết qua trao đổi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho mọi người thấy những sáng tạo, những điều mới trong cách làm càphê.
Thay vì làm như cũ là cầm sản phẩm đi bán thì nay làm mới, mô hình mới, cách tiếp cận khách hàng mới, làm cho hệ sinh thái càphê thú vị hơn, thì khách hàng sẽ tìm đến. Điều đó rất phù hợp với xu thế hiện tại.
Ngoài việc giải đáp thắc mắc trong thẩm quyền của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ những góc nhìn mới về gia tăng giá trị càphê từ việc đoàn kết để xây dựng thương hiệu chung về càphê Gia Lai, xây dựng và phát triển những giá trị mới cho càphê nhờ kết hợp với du lịch, sáng tạo theo thị hiếu, thói quen người tiêu dùng, học hỏi từ cách gia tăng giá trị nông sản của các quốc gia láng giềng.
Bộ trưởng cũng có những định hướng trong phát triển nông nghiệp bền vững, nhất là lĩnh vực càphê rất nhiều sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường hiện nay.
Đối với phát triển vùng nguyên liệu, Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu chú trọng đến sự phát triển bền vững, thông tin định vị vùng sản xuất không làm mất rừng để có thể dễ dàng vào các thị trường khó tính như châu Âu.
Đối với du lịch nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần có cách nhìn xa và sâu hơn, khi phát triển du lịch nông nghiệp; tùy tình hình từng địa phương mà chính quyền cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp./.