Giá dầu: Quyết định mới của EU không tác động tới thị trường châu Á

Tại sàn giao dịch Singapore, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 16 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên 80,10 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 15 xu Mỹ, tăng 0,2%, lên 73,54 USD/thùng.

Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu đi lên vào đầu phiên giao dịch ngày 6/2, sau khi giảm khoảng 8% vào tuần trước, xuống mức thấp nhất trong hơn ba tuần, do lo ngại về triển vọng của các nền kinh tế lớn lấn át dấu hiệu phục hồi nhu cầu năng lượng tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.

Thị trường hầu như không chịu tác động bởi quyết định áp trần giá đối với các sản phẩm dầu mỏ Nga của Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh từ ngày 5/2.

Cụ thể, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 16 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên 80,10 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 15 xu Mỹ, tăng 0,2%, lên 73,54 USD/thùng.

Cuối tuần trước, giá dầu WTI và dầu Brent đã giảm 3% sau khi dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất, từ đó thúc đẩy tỷ giá đồng USD.

Mặc dù lo ngại về suy thoái kinh tế thống trị thị trường vào tuần trước, ngày 5/2, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol nhấn mạnh rằng sự phục hồi của Trung Quốc vẫn là động lực chính cho giá dầu thế giới.

[Thị trường dầu thế giới ghi nhận tuần ảm đạm, giá giảm gần 8%]

IEA dự kiến một nửa tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay sẽ đến từ Trung Quốc, nơi ông Birol cho biết nhu cầu nhiên liệu máy bay đang gia tăng. Ông cho biết, tùy thuộc vào mức độ phục hồi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+, có thể phải đánh giá lại quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày cho đến năm 2023.

Quyết định áp mức giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga có hiệu lực vào ngày 5/2 sau khi Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu và Australia đồng ý về mức trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm tinh chế cao cấp như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm có giá trị thấp hơn như dầu nhiên liệu.

Các nhà phân tích của ANZ cho biết: “Hiện tại, thị trường kỳ vọng các nước ngoài EU sẽ tăng nhập khẩu dầu thô tinh chế của Nga, do đó sẽ tạo ra ít sự gián đoạn đối với nguồn cung tổng thể." Tuy nhiên, việc OPEC tiếp tục hạn chế nguồn cung sẽ khiến thị trường thắt chặt./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)