FAO hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn phát triển nông, lâm nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm
FAO tiếp tục thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác tại Bắc Kạn để phát triển nông, lâm nghiệp, trong đó chú trọng phát triển du lịch trải nghiệm.
Ngày 10/5, Đoàn công tác do Ngài Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn về thực hiện Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF).
Tại buổi làm việc, ông Cao Minh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân, Trưởng Ban Quản lý chương trình FFF tỉnh Bắc Kạn, đã báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại tại tỉnh.
Cụ thể, Chương trình góp phần cải thiện năng lực quản trị và thúc đẩy cơ chế, chính sách liên quan tới các tổ hợp tác, hợp tác xã thông qua các diễn đàn đa ngành; tăng cường khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các tổ hợp tác, hợp tác xã thông qua dịch vụ phát triển kinh doanh và chuỗi giá trị công bằng.
Đặc biệt, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua nâng cao nhận thức về môi trường, sự tham gia trực tiếp của các tổ hợp tác, hợp tác xã kết hợp biện pháp sinh kế tổng hợp; cải thiện việc tiếp cận công bằng các tổ hợp tác, hợp tác xã với các dịch vụ văn hóa và xã hội.
Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có gần 374.030ha rừng; trong đó, rừng tự nhiên là 271.805ha; rừng trồng 102.222ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 73,38%, cao nhất cả nước, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Công tác quản lý, bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày càng tốt hơn, hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến các sản phẩm từ gỗ và các loại cây trồng, mang lại giá trị kinh tế cao, đưa tỷ trọng ngành sản xuất lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế nâng lên.
Đời sống người làm nghề rừng không ngừng được cải thiện. Sản xuất lâm nghiệp trở thành động lực quan trọng trong giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
Tại buổi làm việc, Trưởng đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam Rémi Nono Womdim đề nghị tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, gắn phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm để tạo thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, tỉnh cần lồng ghép hiệu quả chương trình, dự án hỗ trợ để các hợp tác xã, tổ hợp tác phát huy tốt nhất lợi thế, tạo ra những sản phẩm nông, lâm sản, du lịch có khả năng cạnh tranh, mang bản sắc địa phương.
Thời gian tới, FAO tiếp tục thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác tại Bắc Kạn để phát triển nông, lâm nghiệp. Trong đó FAO chú trọng hỗ trợ những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch trải nghiệm.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nông Quang Nhất cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của tổ chức FAO đối với tỉnh Bắc Kạn thời gian qua.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh mong muốn Ngài Rémi Nono Womdim và các thành viên trong Đoàn tiếp tục hỗ trợ, quan tâm giúp đỡ nông nghiệp Bắc Kạn thời gian tới. Đồng thời, mong nhận được các ý kiến góp ý để ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững hơn nữa, nhất là phát triển du lịch sinh thái; được chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn phát triển hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng bền vững, từng bước mở rộng diện tích rừng trồng cây gỗ lớn, gắn với phát triển kinh tế rừng và cảnh quan rừng.
FAO thực hiện Chương trình FFF tại tỉnh Bắc Kạn theo 3 giai đoạn, giai đoạn 1 (2014-2017) thực hiện tại xã Chu Hương và Mỹ Phương (huyện Ba Bể); giai đoạn 2 (2018-2022) tại 3 xã Phương Viên của huyện Chợ Đồn và Mỹ Phương, Yến Dương (huyện Ba Bể); giai đoạn 3 (2023-2025) tại 5 xã thuộc các huyện Ba Bể, Chợ Mới, Chợ Đồn.
Chương trình FFF hướng đến 3 mục tiêu: Cải thiện năng lực quản trị và thúc đẩy cơ chế, chính sách liên quan đến các hợp tác xã, tổ hợp tác thông qua diễn đàn đa ngành; tăng cường khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các hợp tác xã, tổ hợp tác thông qua dịch vụ phát triển kinh doanh và chuỗi giá trị công bằng; giảm thiểu, thích ứng biến đổi khí hậu thông qua việc nâng cao nhận thức về môi trường, sự tham gia trực tiếp của các hợp tác xã, tổ hợp tác với biện pháp sinh kế tổng hợp./.